Động lực giúp người nghèo Nghệ An vươn lên làm chủ cuộc sống
Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với dịch vụ tín dụng nhà nước thuận lợi, giúp họ có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Trải qua 20 năm hoạt động (2002 - 2022), mô hình tổ chức của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận với dịch vụ tín dụng nhà nước thuận lợi, giúp họ có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.

Chị Tô Thị Hương ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu thuộc diện hộ nghèo trong bản với 5 khẩu. Hai vợ chồng chị là lao động chính và 3 con đang tuổi ăn học.
Đầu năm 2016, trong khi khó khăn chồng chất, gia đình chị được kết nạp vào Tổ tiết kiệm và vay vốn, được bình xét để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 25 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở.
Nhờ đó, gia đình chị đã sửa chữa lại căn nhà tạm bợ để có nơi an cư lạc nghiệp. Sau đó, gia đình chị tiếp tục vay vốn để chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá và trồng rừng.
Đến nay, gia đình chị Hương đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá của xã, của huyện. Hoạt động chăn nuôi, sản xuất kinh doanh phát triển giúp gia đình chị có đủ điều kiện để lo cho con cái ăn học tử tế. Đặc biệt, con gái đầu đạt học sinh giỏi tỉnh, hiện nay đang tiếp tục theo học Trường cấp 3 Quỳ Châu.
Cũng là một hộ nghèo ở huyện Quỳ Châu, gia đình chị Vi Thị Minh có cuộc sống rất chật vật, phải lo chạy ăn từng bữa, tiền không đủ cho con đi học. Đầu năm 2009, gia đình chị được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu cho vay với số tiền 30 triệu đồng của Chương trình cho vay hộ nghèo.
Từ nguồn vốn vay đó, gia đình đã đầu tư trồng được 4 ha keo, mua 1 con bò và 5 con gà. Số gà nuôi đó đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở, giúp gia đình cải thiện dần bữa ăn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị vừa trả nợ cũ vừa tiếp tục vay mới để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Qua 3 đợt vay vốn với thời gian hơn 13 năm từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp gia đình chị Minh ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập tăng thêm. Đến nay, gia đình chị Minh đã vươn lên trở thành hộ khá giả của toàn xã.
Ngoài hộ nghèo được vay vốn, nhiều tấm gương vượt khó vươn lên, nhiều học sinh sinh viên có tiền để theo đuổi việc học, nhiều ngôi nhà ấm áp được dựng lên từ vốn tín dụng chính sách…
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh Nghệ An xác định mục tiêu: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Nguồn vốn, dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 7 - 10%; phấn đấu đến năm 2025 nguồn vốn và dư nợ đạt trên 13.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 16.000 - 17.000 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác để cho vay đối với hộ nghèo; Tập trung các nguồn lực về con người và nguồn vốn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, phấn đấu đáp ứng 100% vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.
Gia tăng hiệu quả nguồn vốn
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An Trần Khắc Hùng cho biết: 20 năm qua, Nghệ An khẳng định sự phù hợp, kịp thời trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đã gia tăng hiệu quả nguồn vốn; sự trách nhiệm, quyết tâm của những người tham gia trong dòng chảy tín dụng chính sách. Qua đó, đã biến đồng vốn nhỏ thành động lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên, làm chủ cuộc sống. Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Từ 3 chương trình tín dụng ngày đầu hoạt động, đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng ưu đãi. Doanh số cho vay 20 năm đạt 32.143 tỷ đồng với trên 1,2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tổng dư nợ đến 30/6/2022 đạt 10.522 tỷ đồng, tăng 10.215 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 34,31 lần), với 279 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo có doanh số cho vay 20 năm cao nhất, đạt 8.232 tỷ đồng, với trên 293 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn.
Tiếp đó là các chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ thoát nghèo. Nghệ An cũng là địa phương có dư nợ chương trình cho vay học sinh sinh viên thuộc top lớn nhất cả nước, với doanh số cho vay 20 năm qua đạt 4.475 tỷ đồng với hơn 250 nghìn lượt hộ gia đình vay vốn cho 625 nghìn học sinh sinh viên đi học; dư nợ đến 30/6/2022 đạt 295 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,8% tổng dư nợ, với 8,4 nghìn hộ còn dư nợ.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi; quản lý và giám sát chặt chẽ nguồn vốn này. Triển khai thực hiện tốt hơn nữa nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Đồng thời, tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác. Nghiên cứu bố trí tăng dần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện các đề án về giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động nhằm đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Quang Ninh, Thúy Tình, Ngân Phương