Mời quý độc giả theo dõi video:

Trong điện thoại của bà Phạm Thị Thu, Phó Chủ tịch xã Cư Suê (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk), có hơn 10 nhóm zalo khác nhau. Trong đó, có nhóm là của thôn, nhóm của hợp tác xã, nhóm của hội phụ nữ…. Thông qua các nhóm zalo chung này nên mỗi khi có công việc cần thông báo hay tập hợp người dân, vị nữ phó chủ tịch xã chỉ cần soạn vài dòng tin nhắn gửi đi là ngay lập tức hàng nghìn người dân của xã Cư Suê đã có thể nhận được thông tin và tập hợp nhanh chóng tại các nhà văn hóa cộng đồng.

Những hội, nhóm trên mạng xã hội zalo, facebook như thế này được chính quyền xã Cư Suê lập ra nhằm tạo sự kết nối, thuận tiện liên hệ, cũng như việc nắm bắt tình hình thông tin nhanh chóng; đặc biệt là tạo được sự gắn kết, gần gũi giữa người dân và chính quyền.

Dưới sự hỗ trợ của công nghệ, kết nỗi giữa chính quyền - người dân không chỉ rút ngắn được thời gian, không gian mà còn giảm bớt được công sức, nhất là nhận thức, suy nghĩ của người dân cũng có nhiều thay đổi do được tiếp cận các thông tin, kiến thức mới đầy đủ, nhanh chóng và chính xác.

Xã Cư Suê có 10 khu dân cư với dân số hơn 11.800 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 60%. Trong thời gian qua, UBND xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc sử dụng, tiếp cận công nghệ thông tin, góp phần nâng cao năng lực, hiêu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Đến nay, xã đã thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở 10 khu dân cư với 70 thành viên tham gia, nhằm tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân cài đặt một số ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hiện toàn xã đã có 4.409 người kích hoạt thành công để sử dụng tài khoản định danh điện tử qua ứng dụng VNEID. 

Hiện nay tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, buôn ở xã Cư Suê hoạt động khá hiệu quả trong việc tuyên truyền. Thành viên tham gia tổ công nghệ số cộng đồng gồm các đồng chí trong Chi bộ, Ban tự quản, và các lực lượng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiếp cận công nghệ thông tin như: hướng dẫn cài đặt, sử dụng công nghệ số, kỹ năng số và các ứng dụng trên điện thoại thông minh để tra cứu các thông tin văn bản liên quan đến thủ tục hành chính, cách nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mà không cần phải đến trụ sở cơ quan công quyền; cài đặt ví điện tử để thanh toán, mua sắm trực tuyến một cách thuận lợi, nhanh chóng không sử dụng tiền mặt, tham gia các hội nhóm, các kênh liên lạc kết nối với chính quyền như zalo, facebook…

Nhờ việc đẩy mạnh sử dụng công nghệ nên công tác truyền thông về giảm nghèo đạt được hiệu quả. Thông qua các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp đã khuyến khích bà con nâng cao ý thức giảm nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời xã cũng tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, từ đó nhiều hộ nghèo đã chủ động vươn lên để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững, đóng góp xây dựng địa phương ngày càng phát triển.  

Thùy Chi- Đức Yên