Liên kết sản xuất hợp tác xã giúp nông dân Hà Giang thoát nghèo
Việc giảm nghèo cho người dân vùng biên luôn được tỉnh Hà Giang quan tâm nhằm giúp họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói và giảm nghèo bền vững.
Trước đây, nông dân ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tại tỉnh Hà Giang, hầu như chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh liên kết trong sản xuất để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa. Thế nhưng, từ khi thành lập các hợp tác xã (HTX), họ đã dần thay đổi tư duy và nhận thức.
Chị Sùng Thị Sy, ở Huyện Đồng Văn cho hay, cách đây không lâu chị đã quyết định thành lập HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A với mong muốn đồng hành cùng chị em phụ nữ DTTS trên chặng đường vươn lên thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Qua 5 năm hoạt động, đến nay số thành viên của HTX và thành viên liên kết là 131 thành viên, trong đó 100% thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Chị chia sẻ, hoàn cảnh của các thành viên trong HTX chủ yếu là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán quay trở về tái hòa nhập cộng đồng và là hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Bình quân mỗi năm có 4 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo, đến nay, HTX đã có 55 hộ gia đình của thành viên thoát nghèo. Thu nhập của các thành viên dao động từ 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng
Từ năm 2018 đến nay, HTX này cũng đã tổ chức 18 lớp dạy nghề với 630 học viên tham gia. Sau các lớp dạy nghề đã thành lập được 5 tổ hợp tác tại xã Sính Lủng, Lũng Phìn, Sủng Trái, Vần Chải, Sủng Là (huyện Đồng Văn), xây dựng được 2 mô hình tại xã Sính Lủng, Ma Lé và 1 hợp tác xã tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).
Tại huyện Mèo Vạc, năm 2016, tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, anh Hoàng A Páo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc (HTX Tả Lủng), đã đầu tư vốn và giống phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với 3 nhóm ngành nghề chính: Chế biến, chưng cất rượu gắn với chăn nuôi; nuôi ong, chế biến mật ong; thu mua nông sản, cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, con giống. Sau 6 năm, HTX đã đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, có uy tín và chất lượng, đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao đời sống, thu nhập của thành viên, người lao động trong HTX.
Được biết, hiện doanh thu của HTX đạt khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 12 lao động thường xuyên, 24 thành viên. Đồng thời giải quyết cho trên 100 lao động mùa vụ, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói,nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang nay đã xây dựng được thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho thành viên. Hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được cải thiện, loại hình ngày càng đa dạng, xuất hiện nhiều mô hình mới, hỗ trợ tốt cho kinh tế hộ thành viên phát triển. Điều quan trọng hơn cả, đó là các HTX đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, dân sinh, giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, gắn với điều kiện của địa phương, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Lương Hải, Thu Hà, Ngọc Quý