Mời quý độc giả theo dõi video:

Nằm cạnh dòng sông Pô Kô mát lành, thôn Kon Trang Long Loi cách trung tâm huyện Đắk Hà, tỉnh KonTum khoảng 2 km với 132 hộ, 777 khẩu sinh sống. Thôn có 100% dân số là người dân tộc thiểu số. 

Với nét đặc thù riêng của một làng người dân tộc thiểu số Bahnar cùng với những giá trị đặc sắc về văn hóa truyền thống còn được bảo tồn, Kon Trang Long Loi đang là điểm đến du lịch nổi bật của địa phương.

Dạo một vòng quanh thôn, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang miệt mài dệt thổ cẩm, các nghệ nhân cần mẫn đan lát các sản phẩm thủ công, hay các lớp luyện đánh cồng chiêng, chơi nhạc cụ thu hút sự tham gia của cả những nghệ nhân lớn tuổi lẫn lớp trẻ.

Hiện nay, thôn Kon Trang Long Loi còn giữ gìn được rất đa dạng bản sắc văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng, hộ gia đình như: làm rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát dụng cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình (gùi, reo, giỏ…); chế biến và sử dụng các loại thực phẩm sẵn có trong tự nhiên với đặc trưng riêng; các hoạt động văn hóa như cồng chiêng, múa xoang và một số lễ hội truyền thống. 

Thôn cũng xây dựng được Câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Bahnar gồm 41 thành viên với các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm có thể biểu diễn những bài chiêng, múa xoang và các bài dân ca truyền thống đặc sắc; chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, đan lát, dệt thổ cẩm hay chế biến những món ăn truyền thống… phục vụ, thu hút du khách.

Kon Trang Long Loi là làng du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện Đăk Hà và thứ 3 của tỉnh Kon Tum. Để được công nhận là điểm du lịch của tỉnh vào giữa năm 2020, 132 hộ dân với gần 800 nhân khẩu trong làng đã đoàn kết, phát huy trách nhiệm trong xây dựng làng du lịch cộng đồng. 

Hiện nay, hoạt động du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi đã thu được kết quả đáng khích lệ với 2 tổ hợp tác du lịch, 4 tổ nhóm ngành nghề, hơn 35 hộ tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, 13 hộ homestay cung cấp nơi lưu trú và phục vụ ăn uống cùng các hộ tham gia tổ cung cấp dịch vụ như tiếp đón và hướng dẫn viên, cho thuê thuyền độc mộc, đội văn nghệ; tổ xe ôm; tổ cung cấp sản phẩm hàng hóa, nông thủy sản địa phương...

Đây là cách để người dân không chỉ lưu giữ được những nét đẹp văn hoá của dân tộc mình mà từ đó còn quảng bá tới du khách gần xa, thu hút đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.  

Huyện Đăk Hà nằm ở phía Bắc tỉnh Kon Tum với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn. 

Trong những năm vừa qua, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ngành có liên quan đã làm tốt công tác nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Địa phương đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hóa đến với người dân; thông qua đó góp phần làm chuyển biến trong nhận thức và hành động trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và phát triển du lịch trên địa bàn huyện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thời gian tới, huyện Đăk Hà sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình của Trung ương và tỉnh về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển triển du lịch, trong đó trọng tâm là bảo tồn và phát huy văn hoá cồng chiêng trên địa bàn.

Thuỳ Chi - Đức Yên