An Giang: Tuyên truyền làm thay đổi nhận thức góp phần giảm nghèo bền vững
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh An Giang đã chủ động tuyên truyền tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.
Theo UBND tỉnh An Giang, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh chủ động công tác tuyên truyền đã đi liền với giám sát, đôn đốc và biểu dương, ghi nhận, động viên và kịp thời khích lệ những tập thể, cá nhân, tiêu biểu, những cách làm hay sáng tạo tại mỗi đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư...
Đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần cùng cả nước phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”... Qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo bền vững.
Kết quả là trong giai đoạn 2021-2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm đều giảm trên 1%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2,2% và hộ cận nghèo giảm bình quân 1,09%/năm.
Năm 2023, dự kiến tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm từ 1 - 1,2%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm 2%/năm. Đặc biệt, có 3/7 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn đạt tỷ lệ 42,9%.
Theo UBND tỉnh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình, các ngành, địa phương cần tích cực phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và các bên liên quan về Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai, thực hiện.
Đồng thời, huy động các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sớm ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghèo…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện nay, các dự án thuộc chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã được triển khai đúng quy định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương. Các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo thực sự mang lại hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện….