Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình kinh tế giúp giảm nghèo hiệu quả
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã và đang có những chỉ đạo rất sát sao, trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát huy được lợi thế của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo.
Gia đình anh Lê Văn Nam thuộc diện hộ nghèo của xã Cán Khê, huyện Như Thanh. Bản thân anh Nam thường xuyên đau ốm, con trai vừa câm, vừa điếc nên cuộc sống rất bấp bênh.
Năm 2019, anh Nam được UBND xã Cán Khê hỗ trợ tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản để phát triển sản xuất. Do được tập huấn kiến thức chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc nên cặp bò của gia đình anh hiện phát triển tốt. Ngoài ra, anh còn chăn nuôi thêm các loại gia cầm, trồng cây lâm nghiệp... cho thu nhập ổn định. Năm 2021 anh làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Gia đình ông Mai Xuân Giao ở xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc cũng là một trong những hộ dân đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
5 năm trước, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, những tưởng việc thoát nghèo là không thể bởi hoàn cảnh rất khó khăn, nhà có 6 người nhưng chỉ có 2 lao động chính. Khi nghe UBND xã triển khai kế hoạch về mô hình dự án chăn nuôi bò sinh sản để có cơ hội giảm nghèo, ông Giao rất e ngại, chưa thực sự muốn tham gia. Được sự động viên của chính quyền, anh em họ hàng, ông đã quyết định tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản của địa phương.
Ban đầu, việc trồng cỏ, nuôi bò của ông gặp không ít khó khăn do quỹ đất ít lại chưa có kinh nghiệm. Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho bò và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các hộ chăn nuôi khác trong xã, ông Giao đã áp dụng vào việc chăn nuôi để phòng tránh bệnh tật. Nhờ đó, đàn bò phát triển khỏe mạnh và sinh sản được 2 con bê. Từ đó thu nhập của gia đình ông cũng tăng lên và thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 222 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 102 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 66 tỷ đồng, vốn đối ứng địa phương 283 triệu đồng, vốn đối ứng của hộ tham gia mô hình trên 35 tỷ đồng...
Qua đó, toàn tỉnh đã triển khai được 47 mô hình trên địa bàn các huyện nghèo 30a, 16 mô hình tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 65 mô hình trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 và 94 mô hình trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a, Chương trình 135 với hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; trong đó ưu tiên hộ có chủ hộ là nữ, hộ là người dân tộc thiểu số được tham gia...
Điểm nhấn mà dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đem lại đó là việc góp vốn đối ứng. Việc quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ, ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì, phát triển nguồn vốn được hỗ trợ.
Cụ thể, tùy vào điều kiện và khả năng huy động nguồn vốn hợp pháp khác mà dự án quyết định thu hồi một phần kinh phí (dưới dạng tiền mặt hoặc hiện vật) từ ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia dự án. Từ đó luân chuyển trên địa bàn thực hiện dự án phù hợp với từng mô hình và điều kiện cụ thể của từng hộ nghèo tại địa phương để nâng cao trách nhiệm của từng hộ nghèo, bảo đảm nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tham gia thực hiện mô hình.
Mức thu hồi vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tùy vào điều kiện cụ thể được khuyến nghị từ 30 - 70% bằng tiền mặt hoặc hiện vật (con giống) để đảm bảo các hộ được luân chuyển tiếp theo có cơ hội được tham gia dự án.
Cùng với việc thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, các địa phương đã phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt người. Từ đó ứng dụng để phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập…
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2022 - 2025, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo chung của tỉnh, thời gian tới, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tại các địa phương.
Phối hợp tham mưu cho tỉnh đề xuất với các bộ, ngành Trung ương tăng định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho dự án để bảo đảm hiệu quả tham gia của các hộ, nhất là hộ nghèo.
Đồng bộ và quy định cụ thể về thực hiện cơ chế thu hồi, luân chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ trong việc thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Có quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ khi tham gia dự án cho từng vùng tránh chồng chéo, trùng lặp.
Đối với các địa phương, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp một cách quyết liệt với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững nói chung và việc thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo nói riêng.
Khánh Hòa, Ngọc Chính, Thu Hà