Quảng Bình: Nguồn vốn ưu đãi giúp đoàn viên thanh niên thoát nghèo
Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy cho người dân Quảng Bình đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Năm 2019, anh Lê Thanh Long ở thôn Trung Nghĩa 5, xã Nghĩa Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình mở xưởng sản xuất nhôm kính nhưng gặp khó khăn về mặt bằng, vốn, trang thiết bị và đầu ra cho sản phẩm.
Không bỏ cuộc, anh vận dụng kinh nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên các sản phẩm dần được thị trường biết đến nhiều hơn, địa bàn tiêu thụ cũng được mở rộng.
Đầu năm 2023, với sự hỗ trợ về vốn của Thành Đoàn Đồng Hới và Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Long quyết định mở rộng quy mô xưởng với diện tích trên 250m2. Đồng thời đầu tư khoảng 1 tỷ đồng để mua sắm thêm các loại máy móc hiện đại.
Hiện nay, lợi nhuận thu được từ cơ sở sản xuất của anh đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 6 nhân công với mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Không chỉ phát triển công việc kinh doanh, anh Long còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, dạy nghề cho đoàn viên thanh niên khó khăn trong xã để giúp họ có việc làm, cải thiện cuộc sống gia đình.
Một trường hợp khác là anh Phan Đình Đạt ở thôn Đức Giang, xã Đức Ninh, TP Đồng Hới mở cửa hàng linh phụ kiện, điện thoại di động vào năm 2017. Do nguồn vốn hạn hẹp nên hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Thông qua tổ chức Đoàn, năm 2022, anh Đạt được vay vốn ưu đãi tạo việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền gần 100 triệu đồng. Cộng với sự hỗ trợ từ người thân, anh đã đầu tư thêm một cửa hàng kinh doanh điện máy, điện gia dụng, thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Nhờ tạo được chữ “tín” nên công việc kinh doanh ngày càng phát triển. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí, anh thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng.
Hiện tại, Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Ninh đang quản lý dư nợ trên 3 tỷ đồng với 130 hộ vay. Dù số tiền dư nợ còn ít nhưng Đoàn xã đã tăng cường công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các nội dung đã ký kết trong hợp đồng ủy thác, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên và nhân dân vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế, tạo việc làm, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hiện Thành Đoàn Đồng Hới có trên 5.600 đoàn viên thanh niên, sinh hoạt tại 36 cơ sở Đoàn trực thuộc. Thành Đoàn đang nhận ủy thác trên 74 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.
Việc cho vay ủy thác đã đáp ứng một phần nhu cầu về vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hầu hết, những trường hợp vay vốn ủy thác đều xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, có mức thu nhập trung bình từ 80 - 100 triệu đồng/hộ/năm. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của TP Đồng Hới xuống còn 0,38%.
Sự tích cực, chủ động trong công tác nhận ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội của Thành Đoàn Đồng Hới đã giúp các đoàn viên thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế để lập thân, lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của TP Đồng Hới.
Năm 2023, doanh số cho vay các chương trình ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn TP Đồng Hới đạt hơn 184 tỷ đồng. Trong đó, Hội Nông dân trên 72,1 tỷ đồng, Hội Phụ nữ 50,9 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 27,4 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên 33,4 tỷ đồng.
Hiện nay, dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn TP Đồng Hới là 440,7 tỷ đồng với 7.560 khách hàng dư nợ.
Theo ông Dương Xuân Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Bình, hoạt động ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị xã hội đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng để tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng các chương trình tín dụng và tiếp cận với các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.