Nhiều hộ dân ở Phong Thổ viết đơn xin thoát nghèo
Những lá đơn xin thoát nghèo đã thể hiện nguyện vọng, khẳng định ý chí tự lực vươn lên của một bộ phận đồng bào ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) trong hành trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là quyết tâm của cả hệ thống chính trị để mọi người dân Việt Nam đều được hưởng thành quả của phát triển kinh tế. Điều đáng mừng là nhiều người dân có sự thay đổi về nhận thức, cho rằng đói nghèo là điều đáng hổ thẹn, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trường hợp của ông Lừu Văn Tòm, bản Hợp 2, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là một điển hình.
Trong căn nhà cấp bốn đang hoàn thiện những công việc cuối, ông Tòm hồ hởi, Tết năm nay, gia đình ông được ở nhà mới rộng rãi, kiên cố, khang trang.
Nhìn cơ ngơi này, ít người biết cách đây không lâu, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã bởi kinh tế rất khó khăn do chỉ trông chờ vào ít đất ruộng, nương.
Quyết không để cái nghèo đeo bám, ông Tòm đã động viên vợ khai hoang, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cũng động viên, khuyến khích, định hướng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ cấp cây, con giống; tham gia lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật…
Dù kinh tế chưa thực sự đủ đầy nhưng các con đã lớn và đi làm có thêm thu nhập, sản xuất nông nghiệp đã có hiệu quả nhất định nên vợ chồng ông Lừu Văn Tòm đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
“Vẫn biết việc này sẽ khiến gia đình tôi không còn được nhận sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nhưng điều đó không quan trọng, bởi tôi tin bằng sự chăm chỉ làm ăn, chắc chắn thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngôi nhà mới này là minh chứng rõ nhất”, ông Tòm nói.
Được biết, năm 2023, toàn huyện Phong Thổ có 60 hộ dân tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, tập trung chủ yếu ở 3 xã: Bản Lang, Sin Suối Hồ, Khổng Lào.
Bà Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, tuy con số còn khiêm tốn nhưng những lá đơn xin thoát nghèo đã thể hiện nguyện vọng, khẳng định ý chí tự lực vươn lên của một bộ phận đồng bào nơi đây. Điều đó cũng khẳng định sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân trong hành trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Với tinh thần đồng hành cùng người dân nói chung, các hộ dân viết đơn xin thoát nghèo nói riêng, thời gian tới, huyện Phong Thổ tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá từng tiêu chí của hộ nghèo; phân nhóm đối tượng để có phương thức hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Lồng ghép các chính sách của Trung ương, của tỉnh nhằm hỗ trợ sản xuất theo hướng cụ thể, thiết thực, tập trung. Vận động, tuyên truyền hộ nghèo, cận nghèo từ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vươn lên.
Huyện cũng sẽ tăng cường chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với các đơn vị của tỉnh, huyện liên quan đẩy mạnh tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề cho đoàn viên, hội viên. Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả để hộ nghèo, người nghèo có điều kiện tiếp cận với kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và tham gia phát triển kinh tế, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo.