Nghệ An: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo hiệu quả
Tại khu vực miền núi tỉnh Nghệ An, xuất khẩu lao động được xem là con đường thoát nghèo nhanh và bền vững cho người dân, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, tỉnh này là một trong trong những địa phương có nhiều lao động đang làm việc ở nước ngoài, với khoảng trên 75.000 người.
Năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đã tạo việc làm mới cho 45.000 người. Trong đó, đưa 24.560 người đi làm việc ở nước ngoài, tạo việc làm trong tỉnh 14.000 lao động và đưa lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.500 lao động.
Trong số hơn 24.000 người đi lao động ở nước ngoài, 11 huyện miền núi ở Nghệ An đưa đi được 7.643 người, tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Âu.
Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo, trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, Uỷ ban nhân dân huyện Tương Dương đã ban hành kế hoạch hàng năm, giao chỉ tiêu xuất khẩu lao động cho các xã thị trấn.
Bên cạnh đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền nhằm tạo động lực cho bà con yên tâm, huyện còn có những chính sách khuyến khích bà con vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức hoạt động xuất khẩu lao động đi các nước hiệu quả hơn.
Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, huyện Tương Dương có 468 người đi xuất khẩu lao động tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… vượt chỉ tiêu được giao năm 2023.
Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương cho hay, để có kết quả trên, huyện Tương Dương đã thực hiện rất nhiều giải pháp, tuy nhiên giải pháp hữu hiệu nhất là công tác tuyên truyền. Theo đó, huyện tuyên truyền từ các kênh, mạng xã hội, băng rôn, khẩu hiệu, qua hệ thống phát thanh của thôn bản, xã, huyện… Đồng thời, huyện cũng ký kết với các đơn vị xuất khẩu lao động và đào tạo nghề xuất khẩu lao động.
Có thể nói, đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động không chỉ giúp cho bản thân người lao động có việc làm, tích góp vốn đầu tư cũng như kinh nghiệm sản xuất. Đây chính là biện pháp thoát nghèo hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại huyện Kỳ Sơn, công tác xuất khẩu cũng được các cấp chính quyền, đoàn thể đặc biệt quan tâm và thực hiện. Theo đó, huyện đã làm tốt công tác rà soát các đối tượng trong độ tuổi lao động, trình độ, nguyện vọng việc làm để có sự tư vấn sát thực tế.
Để tăng hiệu quả đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động, huyện Kỳ Sơn phối hợp liên kết với các tập đoàn, công ty tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm tại 8 cụm xã.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cùng ngành lao động, thương binh và xã hội theo dõi, nắm bắt thông tin thường xuyên của người lao động làm việc ở nước ngoài cũng như liên lạc với gia đình, đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, có 260 người đi xuất khẩu lao động. Riêng 9 tháng đầu năm 2023 có 200 người có hợp đồng lao động làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết, sắp tới, huyện sẽ tổ chức mỗi xã một phiên giao dịch việc làm. Đặc biệt, sau khi các lao động đi làm ăn xa ở các nơi như Sài Gòn, Hà Nội... trở về, huyện dự kiến sẽ tiếp tục tuyên truyền công tác đưa người lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động.
Còn tại huyện Quế Phong, năm 2023 được đánh giá là năm có nhiều chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân về xuất khẩu lao động. Theo đó, huyện đã làm tốt công tác tư tưởng cho người dân nên họ yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước để học nghề, học tiếng và đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện tổ chức 13 phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm tại 13 đơn vị, xã, thị trấn. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước thực hiện hội nghị tuyên truyền tư vấn với 500 học sinh cuối cấp trên địa bàn toàn huyện…
Được biết, 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Nghệ An có 19.869 người đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng. Trong đó, có hơn 8.900 lao động ở 11 huyện miền núi đạt 130,82% so với kế hoạch.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, tỉnh Nghệ An phấn đấu năm 2023, toàn tỉnh sẽ có trên 24.000 lao động được ký hợp đồng xuất khẩu lao động. Với số lao động lớn trên địa bàn tỉnh mà đặc biệt là ở các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo, tư vấn đi làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng lao động là cơ hội rất quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy xoá đói giảm nghèo hiệu quả.