Lai Châu chú trọng dạy nghề, tạo sinh kế cho lao động nông thôn
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn luôn được thành phố Lai Châu chú trọng.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đối với sự phát triển, những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền thành phố Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với nhiều hình thức khác nhau.
Năm 2021 và 2022, thành phố Lai Châu thực hiện hỗ trợ 25 lớp đào tạo nghề với 750 lao động, đạt 100% kế hoạch hằng năm; giải quyết việc làm cho 1.755 người lao động, vượt 146,2% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Lai Châu lần thứ IV nhiệm kỳ 2020 - 2025; góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố đã chiêu sinh mở 5 lớp đào tạo nghề cho 165 lao động, tạo việc làm cho 590 lao động.
Các lớp dạy nghề trang bị cho học viên nhiều kiến thức căn bản về ngành nghề đào tạo. Đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, học viên được tiếp cận với kiến thức khoa học từ chọn con giống, xây dựng chuồng trại, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh đến tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, học viên áp dụng vào điều kiện của gia đình và đem đến hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế.
Bên cạnh một số ngành nghề căn bản, cơ quan chuyên môn của thành phố đã tham mưu, lựa chọn nghề phù hợp với xu thế mới, hoặc nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của nghề cũ như: trồng nấm; pha chế đồ uống; thêu dệt thổ cẩm. Đồng thời, các ngành nghề cũng được phân bố phù hợp với đặc thù, thế mạnh của địa phương để học viên nhanh chóng đưa kiến thức đã học áp dụng tại địa phương, gia đình mình, qua đó thay đổi tư duy và cách làm kinh tế của các gia đình học viên.
Lớp học chăn nuôi gà tại phường Đoàn Kết do Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Hùng Vương (thành phố Lai Châu) phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức với 35 học viên đến từ các tổ dân phố, bản trên địa bàn phường. Tại đây, các học viên được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản như: chọn giống gà, thức ăn, dinh dưỡng, làm chuồng trại, cách chăm sóc trị bệnh cho gà. Mặc dù lớp học diễn ra vào buổi tối nhưng học viên luôn đến lớp đều đặn và đúng giờ.
Chị Phạm Thị Sen ở tổ dân phố số 10, phường Đoàn Kết chia sẻ: Qua lớp học, tôi nhận ra rằng, nuôi gà bằng kinh nghiệm dân gian thì chưa đủ mà còn cần nhiều yếu tố khác. Khi áp dụng vào thực tiễn, tôi thấy đàn gà nuôi nhanh lớn, ít mắc dịch bệnh, hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Đợt này gia đình tôi nuôi khoảng 40 con gà để phát triển theo hướng hàng hóa.
Trước đó, vào năm 2022, ông Lý A Sanh ở bản Sùng Chô, xã Sùng Phài cũng tham gia lớp học nghề chăn nuôi, trồng trọt của thành phố tổ chức. Nhờ đó, ông Sanh được mở mang kiến thức khuyến nông.
Ông Sanh kể: Trước đây, tôi chưa nắm được quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi nên chi phí sản xuất cao mà hiệu quả thu về thấp. Sau khi tham gia lớp dạy nghề, tôi và các học viên trong bản biết cách tiêm phòng và bổ sung vào khẩu phần ăn theo từng giai đoạn sinh trưởng của gia cầm nên đã hạn chế rủi ro cho đàn gà.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu - Trần Đình Tiến, để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn, hàng năm, thành phố Lai Châu chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân khu vực nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đề xuất với các sở, ngành liên quan phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động. Đồng thời, chú trọng đến các cơ sở đào tạo, dạy nghề có đủ điều kiện con người, cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn tham gia giảng dạy, đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn.
Đặc biệt, phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động tại địa phương. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm dịch vụ việc làm, hội chợ việc làm. Hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Với sự quan tâm của thành phố trong việc tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với những kiến thức khoa học sẽ là tiền đề giúp bà con áp dụng vào điều kiện của gia đình, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả.