Lạng Sơn: Giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, sinh kế bền vững
Tỉnh Lạng Sơn gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã xác định, đào tạo nghề là giải pháp căn cơ giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định, sinh kế bền vững.
Tại tỉnh Lạng Sơn, chính sách dành cho người học nghề luôn được các trường dạy nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chú trọng thực hiện. Qua đó, tạo động lực và sự yên tâm cho người tham gia học nghề.
Toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên với gần 4.000 học sinh theo học mỗi năm. Tại các trung tâm này, ngoài việc học văn hóa, các em còn được tham gia học nghề.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc hiện có 24 lớp với 757 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 đang theo học. Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học văn hóa, trung tâm đã liên kết với các trường: Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn; Cao đẳng Xây dựng; Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật thương mại; Cao đẳng Công nghệ và thương mại (Thái Nguyên); Cao đẳng Công nghệ và nông lâm Đông Bắc… đào tạo một số ngành nghề như: tiếng Trung Quốc; hướng dẫn viên du lịch; kỹ thuật chế biến món ăn; công nghệ hàn; kế toán doanh nghiệp…
Không chỉ liên kết đào tạo, các trung tâm còn chú trọng thực hiện dạy nghề gắn với phương pháp, chương trình giảng dạy theo phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”.
Năm học 2022 - 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình có hơn 400 học sinh khối 10 đến 12 học song song văn hóa và học nghề. Dù còn nhiều khó khăn nhưng để giúp các em lĩnh hội tốt các kỹ năng nghề, trung tâm đã trang bị thiết bị dạy học phù hợp cho từng ngành nghề mà trung tâm đang phối hợp đào tạo như: nghề mộc, điện dân dụng, tin học… Qua đó, yêu cầu giáo viên chú trọng dạy học gắn với ứng dụng thực hành nhằm giúp học sinh dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế.
Để thu hút học sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt trong công tác đào tạo, chú trọng hướng nghiệp và liên kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp. Xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động để học viên sau khi ra trường có việc làm với các ngành nghề chính đang được các công ty tuyển dụng quan tâm như: may mặc, điện, điện tử, cơ khí; cùng một số ngành nghề được xã hội quan tâm như làm đẹp, ẩm thực, du lịch…
Với chủ trương xây dựng chương trình dạy học gắn với nhu cầu việc làm, 2 năm học trở lại đây, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký tham gia học tại các trung tâm đã có chuyển biến đáng kể. Từ năm học 2021 – 2022 đến nay, có trên 18% số học sinh sau tốt nghiệp THCS đăng ký vào học tại các trung tâm. 100% học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đều đăng ký tham gia học nghề phù hợp với nguyện vọng bản thân và định hướng phát triển xã hội.
Qua khảo sát của các trung tâm, từ năm 2021 – 2022 đến nay, hằng năm có trên 90% học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường tiếp tục học lên các bậc học cao hơn hoặc tìm được việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trung tâm chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang gắn với nguyện vọng của người học, liên kết với các trường cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp nghề cho học viên. Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến việc giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề.
Để đạt hiệu quả trong công tác đào tạo và thu hút học sinh theo học, cùng với việc thực hiện theo sự chỉ đạo của các cấp, ngành, thời gian tới, các trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo ở tất cả các trình độ; thực hiện việc giảng dạy và đào tạo đối với các ngành nghề mà xã hội quan tâm để học sinh và học viên tham gia học, sau khi ra trường có việc làm và thu nhập ổn định, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Tháng 6/2023, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Công văn số 2944/VP-KGVX về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh, đào tạo các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp năm 2023.
Theo đó, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến, cung cấp đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách pháp luật Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Làm tốt công tác khảo sát, cập nhật, bổ sung nhu cầu học nghề của người lao động, chú trọng đào tạo các ngành nghề mới, nhất là các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, sản xuất công nghệ cao gắn với quy hoạch các sản phẩm chủ lực, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động nghèo.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo. Các địa phương, đoàn thể vận động doanh nghiệp bảo trợ, nhận người nghèo vào làm việc để có thu nhập ổn định.