Bảo hiểm y tế: Điểm tựa cho người nghèo ở Yên Bái

Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách nhằm vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong công tác giảm nghèo bền vững, việc bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế cho người nghèo, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện chính sách xã hội... là giải pháp quan trọng. Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ mô hình sinh kế, việc làm… tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm an sinh trong các tầng lớp nhân dân.

Từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Bình ở thị trấn Yên Bình luôn đều đặn dành một khoản tiền để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Do hiểu rõ giá trị nhân văn của chính sách này, chỉ một năm sau đó, bà quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cả chồng mình. 

“Tôi đóng 6 tháng/lần, chồng tôi đóng 1 năm/lần”, bà Bình vừa nói vừa lấy 2 cuốn sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện được cất rất kỹ cùng những giấy tờ quan trọng của gia đình. “Nhà chỉ trồng lúa, rồi làm nghề xay xát phụ thêm, thu nhập bình quân nhìn chung cũng đủ trang trải chi tiêu”, bà cho biết thêm.

Ở thị trấn Yên Bình, không phải ai cũng hiểu và chủ động tham gia bảo hiểm xã hội như vợ chồng bà Bình. 

Tuyên truyền, vận động người lao động tự do tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình ở Yên Bái.

Gia đình ông Trần Văn Quý là một trong những hộ khó khăn ở thị trấn Yên Bình. Thu nhập từ đồng ruộng chẳng được bao nhiêu, ở vùng nghèo khó lại không buôn bán được gì nhiều nên dù vất vả làm ăn, nuôi nấng con cái bao năm nhưng của cải tích lũy của vợ chồng ông chẳng được là bao. 

“Tôi năm nay đã 60 tuổi, bà nhà tôi thì kém 1 tuổi. Hai vợ chồng cố gắng nuôi 2 đứa con. Đứa lớn đã lập gia đình ở riêng, còn đứa út cũng chỉ mới đi làm, mỗi tháng kiếm được chút ít, chẳng để ra được bao nhiêu”, ông kể.

Cũng theo lời ông Quý, sức khỏe của hai ông bà không được tốt, khi thì đau dạ dày, lúc thì đau lưng, đau chân… Mới đầu, ông khá e ngại về việc mua bảo hiểm tự nguyện do nghĩ là ít quyền lợi và tốn nhiều tiền, trong khi gia đình cũng khó khăn. Tuy nhiên, khi được tuyên truyền, giải thích cụ thể, ông Quý đã chủ động tham gia mua bảo hiểm y tế cho cả hai vợ chồng. “Có tấm thẻ bảo hiểm y tế, vợ chồng tôi sẽ vơi bớt gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi không may ốm đau, bệnh tật”, ông nói.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Yên Bình Mai Thị Thanh Bình cho hay, để phát triển số lượng người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, đơn vị đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện giao chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các xã, thị trấn. Phối hợp với các xã rà soát, phân loại theo từng nhóm gồm: người dân có thu nhập ổn định, người dân có mức sống trung bình có điều kiện tham gia bảo hiểm xã tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình... để tập trung tuyên truyền, vận động. 

Cùng với đó, đơn vị linh hoạt các hình thức tuyên truyền như: tổ chức hội nghị, hội thảo, tư vấn, đối thoại trực tiếp. Đồng thời đẩy mạnh việc cài đặt ứng dụng VssID để người dân có thể tự kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm của bản thân.

Nhờ tích cực tuyên truyền, hoạt động phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mang lại hiệu quả tích cực. 

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2022, toàn tỉnh có gần 25.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 100% kế hoạch, chiếm trên 19% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Năm 2023, Bảo hiểm xã hội tỉnh đặt mục tiêu phát triển hơn 28.240 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, để thực hiện chỉ tiêu trên, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt. Tăng cường các giải pháp truyền thông với nhiều hình thức đa dạng như: đối thoại, tư vấn trực tiếp; tổ chức lễ ra quân tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trực quan (tờ rơi, tờ gấp, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu); tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trang thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội tỉnh, các trang mạng xã hội; phối hợp truyền thông trên báo, đài…

Một trong những giải pháp tuyên truyền hiệu quả đã được Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái thực hiện gần đây là mô hình "Truyền thông nhóm nhỏ”. Các nhóm gồm cán bộ bảo hiểm xã hội, bưu điện, nhân viên đại lý thu phối hợp với trưởng thôn tại các khu dân cư đến từng nhà để tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Qua đó, người dân được đối thoại trực tiếp với cán bộ bảo hiểm xã hội, đại lý thu và kịp thời giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc về chính sách.

Như vậy có thể nói, bên cạnh những căn nhà mới còn có những cuốn sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, những chiếc thẻ bảo hiểm y tế đậm nghĩa tình giúp người dân Yên Bình thêm tự tin để tiếp tục tham gia vào chính sách đầy tính nhân văn này. Điều này cho thấy, huyện Yên Bình sẽ có cơ sở để thoát nghèo bền vững khi mọi người dân, người lao động, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước.

Linh Trang và nhóm PV

Chàng trai người Mông mở HTX bao tiêu hàng nghìn tấn dứa cho người dân biên giới

Năm 2022, anh Thào A Giàng thành lập Hợp tác xã dứa Mường Nhà (Điện Biên), liên kết với gần 70 hộ dân bản giáp biên trồng hơn 60ha cây dứa mật, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra giúp bà con.

Bắc Kạn hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành

Chiều 31/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức trao tặng 176 chiếc điện thoại thông minh trong chương trình Hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã/phường thí điểm chuyển đổi số năm 2023.

Nước sạch đến với học sinh vùng cao Nậm Pồ

Tính tới ngày 31/10, toàn huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 26 giếng khoan tại các trường học trên địa bàn.

Nhiều hộ dân ở Phong Thổ viết đơn xin thoát nghèo

Những lá đơn xin thoát nghèo đã thể hiện nguyện vọng, khẳng định ý chí tự lực vươn lên của một bộ phận đồng bào ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) trong hành trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thừa Thiên Huế: Linh hoạt thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù

Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, trong đó có 6 nhóm chính sách trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Tuần Giáo nỗ lực thực hiện 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế

Tính đến ngày 31/10/2023, tổng số học sinh trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tham gia bảo hiểm y tế là 1.335 em, đạt 106.8% kế hoạch tỉnh giao.

Quảng Bình: Nguồn vốn ưu đãi giúp đoàn viên thanh niên thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy cho người dân Quảng Bình đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuần Giáo nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy giảm nghèo

Những việc làm hỗ trợ thiết thực đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Tây Ninh: Nhiều cơ chế giảm nghèo đa chiều hiệu quả

Tỉnh Tây Ninh ban hành và thực hiện lồng ghép nhiều chính sách, mô hình giảm nghèo đa chiều hiệu quả cho vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

TP Bà Rịa khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân

Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp người dân Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) có sinh kế ổn định, thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên khấm khá.