Tích cực ứng dụng công nghệ giúp người nghèo Điện Biên tiếp cận thông tin
Điện Biên đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho người nghèo, người dân tộc thiểu số.
Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 8 lĩnh vực được xác định ưu tiên chuyển đổi số gồm: Y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên môi trường; sản xuất công nghiệp.
Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng Chính phủ số, đô thị thông minh và nền kinh tế số.
Hạ tầng xã hội số được triển khai rộng khắp, mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode) dựa trên nền tảng bản đồ số được triển khai đến 99% hộ gia đình. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 68%; 37% dân số có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, Mobile Money...
100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng, với hơn 5.500 người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện các hội phụ nữ, thanh niên, công an, giáo viên, tổ trưởng các thôn, bản tại địa phương. Đây là cánh tay nối dài của ban chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được kết nối, liên thông với các hệ thống thông tin đủ điều kiện chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Trung ương, hệ thống thông tin quốc gia. Trung tâm giám sát điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) được triển khai theo mô hình “4 lớp” để thực hiện giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng trên địa bàn tỉnh. Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Chính phủ được triển khai đồng bộ... Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường) ngày một tăng.
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh: 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); 04 bệnh viện tuyến tỉnh, 10 trung tâm y tế huyện, thị xã, thực hiện triển khai phần mềm chuẩn đoán hình ảnh (PACS/RIS), phần mềm quản lý xét nghiệm (LIS). 50% đơn vị triển khai hệ thống khám bệnh, chữa bệnh từ xa (TELEMEDICINE). 80% đơn vị có hệ thống giao ban trực tuyến.
Trong lĩnh vực du lịch đã ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống tái hiện 3D Di tích lịch sử Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ; thực hiện số hóa hiện vật; xây dựng trang thông tin điện tử, sử dụng các mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch nhằm hỗ trợ phát triển và quảng bá du lịch tỉnh Điện Biên…
Người nghèo được tiếp cận và chia sẻ thông tin nhiều hơn
Xác định giảm nghèo đa chiều bền vững cần có sự thay đổi toàn diện, đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm và thay đổi tư duy, ý thức thoát nghèo của người dân nên bên cạnh tập trung huy động các nguồn lực xã hội, vận dụng linh hoạt và kết hợp nguồn lực các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Điện Biên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.
Cụ thể, trong những năm qua, tỉnh Điện Biên đã đầu tư hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh cấp xã, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước về thông tin cơ sở hiệu quả hơn.
Nhờ đó, người dân đã tiếp cận được với các nguồn thông tin chính thống nhanh chóng, hiệu quả, có độ phủ rộng hơn, giúp bà con có nhận thức đúng về chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần đẩy lùi các thông tin xấu của các thế lực phản động gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đối với việc xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tác nghiệp chuyên ngành tại các sở, ban, ngành, tỉnh triển khai xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội nhằm chuẩn hóa quy trình thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp thông tin chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng bộ, thống nhất, chính xác, hiệu quả, tiết kiệm; phục vụ sự chỉ đạo điều hành của tỉnh, khai thác dữ liệu của các cấp, các ngành.
Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng trang thiết bị công nghệ thông tin, đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho các cơ quan nhà nước, phục vụ hiệu quả nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Đảm bảo kết nối đồng bộ, thông suốt và có khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin đảm bảo an toàn, thuận tiện giữa Ủy ban Dân tộc và cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
Thông qua Cổng Dịch vụ công, người dân sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính bằng phương thức trực tuyến, góp phần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn lây nhiễm, phòng chống dịch bệnh.
Nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo các xã, trưởng thôn, người có uy tín, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh đã lồng ghép tập huấn, tuyên truyền công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tổ chức cung cấp, phổ cập các kiến thức về công nghệ thông tin; hỗ trợ người có uy tín ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 do các cơ quan nhà nước cung cấp…
Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội đã và đang tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.