Điểm sáng Yên Trạch (Lạng Sơn) trong nỗ lực thoát nghèo
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đã đạt được những kết quả nổi bật.
Xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) có 10 thôn với 5.883 nhân khẩu. Theo thống kê, toàn xã có gần 900 ha đất nông nghiệp, trên 2.500 ha đất lâm nghiệp (chiếm 64,3% tổng diện tích đất tự nhiên). Người dân chủ yếu làm nông nghiệp.
Thời gian qua, từ việc triển khai đồng bộ các biện pháp, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc đã đạt được những kết quả tích cực. Đặc biệt, xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong 20 xã của huyện.
Để đạt được thành quả này, cấp ủy, chính quyền xã đã luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các biện pháp, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án Nhà nước hỗ trợ và sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của người dân. Đây thực sự là điểm sáng trong công tác giảm nghèo của huyện.
Từ năm 2017 đến nay, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình nông thôn mới, Chương trình 135, xã đã hỗ trợ người dân phân bón, cây giống, tập huấn, hướng dẫn người dân mở rộng phát triển các mô hình như: trồng cây sở (hơn 129 ha), cây mắc ca (10 ha), chăn nuôi bò sinh sản… với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.
Đồng thời, từ năm 2020, chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt là vay theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 và Nghị quyết số 15 ngày 17/7/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh. Từ khi triển khai đến nay, xã đã phối hợp thực hiện giải ngân được 2 dự án với số tiền hơn 500 triệu đồng để người dân phát triển chăn nuôi và trồng rừng.
Với sự đồng hành của nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân có điểm tựa làm kinh tế, phát triển sản xuất, thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Tiêu biểu là ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Nà Thà. Gia đình ông từng nằm trong danh sách hộ nghèo, gặp nhiều khó khăn khi kinh tế bấp bênh. Với ý chí và quyết tâm tự lực, tự cường, năm 2000 ông mạnh dạn vay vốn, trồng 1.000 cây thông.
Sau 5 năm, rừng thông bắt đầu khai thác được nhựa, mỗi năm gia đình ông thu về được 80 triệu đồng. Để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tháng 8/2022, gia đình ông làm hồ sơ vay vốn theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh. Đến nay, gia đình đã được giải ngân 200 triệu đồng để mở rộng trồng rừng thông. Từ những nguồn thu ổn định, ông làm chuồng trại chăn nuôi thêm, kinh tế khá giả nên gia đình ông thoát khỏi hộ nghèo.
Gia đình ông Hùng cũng như bao hộ nghèo khác ở xã Yên Trạch được cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể hướng dẫn tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Lũy kế đến nay, toàn xã đã có 403 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất với tổng dư nợ trên 19 tỷ đồng.
Hay như gia đình ông Lương Thạnh Văn, thôn Pò Cháu không chỉ giảm nghèo mà từng bước làm giàu từ cây sở, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Để phát huy giá trị cây sở, từ năm 2018 đến nay, gia đình ông tập trung chăm sóc, mở rộng diện tích với nguồn vốn được hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, ông tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sở do xã tổ chức.
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền xã đã chủ động xây dựng các kế hoạch, dự án cụ thể sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất; tập trung hỗ trợ phát triển những mô hình kinh tế thế mạnh địa phương. Hàng năm, xã phối hợp tổ chức từ 3 đến 5 lớp tập huấn hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Toàn xã hiện có khoảng 2.000 ha thông, bạch đàn; gần 600 ha sở, hơn 20 ha mắc ca và cây ăn quả các loại… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo ở xã đã đạt được những kết quả nổi bật. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 37,8 triệu đồng/người/năm, tăng 19,8 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 còn 1,3% (là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trên địa bàn huyện), giảm 4,7% so với năm 2015.