Truyền thông về giảm nghèo bền vững tại Ia Grai
Thời gian qua, các xã trên địa bàn huyện Ia Grai (Gia Lai) đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về giảm nghèo bền vững.
Hơn 700 triệu đồng thực hiện công tác truyền thông
Xã Ia Tô đã triển khai tuyên truyền trực tiếp trong các cuộc họp, hội nghị hoặc các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa - thể thao; cấp phát sản phẩm truyền thông; tuyên truyền qua 22 cụm loa phát thanh không dây ở các điểm thôn, làng.
Bên cạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã còn thông tin đến người dân những mô hình phát triển kinh tế phù hợp như nuôi heo sọc dưa, trồng cây ăn quả... Theo kết quả rà soát mới nhất, toàn xã hiện còn 149 hộ nghèo, chiếm 4,65% tổng dân số (giảm 33 hộ so với đầu năm 2023).
Tại Ia Grăng, Hội Nông dân xã tăng cường công tác truyền thông giảm nghèo bền vững trong các cuộc họp, sinh hoạt tập trung và đăng tải trên Facebook, Zalo… Bên cạnh đó, hội còn phối hợp tổ chức cho hội viên nói chung và hội viên nghèo, cận nghèo nói riêng đi tham quan một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt tiêu biểu trong và ngoài huyện.
Hiện xã Ia Grăng còn 40 hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo và 30 hội viên thuộc diện cận nghèo (trong tổng số 852 hội viên). Xã phấn đấu cuối năm 2023 sẽ có khoảng 10 hội viên thoát nghèo.
Trong năm 2022, UBND huyện Ia Grai đã phân bổ 204 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện để thực hiện công tác truyền thông. Đơn vị đã xây dựng 18 chương trình phát thanh và truyền hình giảm nghèo về thông tin, phát sóng các chương trình phát thanh trên đài truyền thanh cấp xã, tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, văn hóa văn nghệ.
Năm 2023, huyện giao nguồn vốn 678 triệu đồng cho Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện và 111 triệu đồng cho UBND các xã, thị trấn để thực hiện công tác truyền thông.
Theo ông Đào Lân Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, thông qua truyền thông, nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã từng bước được nâng cao. Hộ nghèo, cận nghèo cơ bản nắm được các thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững cũng như học hỏi những sáng kiến, mô hình hay, những tấm gương điển hình để phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Nhằm góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, huyện Ia Grai cũng tổ chức hiệu quả nhiều lớp dạy nghề. Đối tượng ưu tiên là hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã biên soạn và ban hành 8 bộ chương trình, giáo trình đào tạo nghề gồm: trồng cà phê, điều, hồ tiêu, lúa năng suất cao; xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng động cơ diesel, điện nội thất; nuôi và phòng bệnh cho heo. Ngoài ra, Trung tâm còn khuyến khích cán bộ, giáo viên sử dụng các phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong công tác giảng dạy và tuyển sinh.
Tính từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã mở 27 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 729 học viên. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của huyện đã đạt được những kết quả thiết thực.
Là một trong 22 người có cơ hội tham gia lớp học nghề thợ nề của xã Ia Yok, anh Rơ Châm Luh chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà các học viên khác đều mong muốn nắm vững kỹ thuật nghề thợ nề. Chúng tôi hy vọng khi thành thạo nghề có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập”.
Hà Thu