Tăng cường tiếp cận thông tin cho người nghèo huyện Bát Xát (Lào Cai)
Thời gian qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã tích cực đầu tư trang thiết bị để giúp người dân tiếp cận thông tin, giảm nghèo bền vững.
Bát Xát là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lào Cai, với trên 70% là đồi núi, gồm 14 dân tộc chung sống, dân tộc thiểu số chiếm 82%.
Địa hình Bát Xát được kiến tạo bởi nhiều dải núi cao, nổi bật là hai dải núi chính tạo nên các hợp thủy: ngòi Phát, suối Lũng Pô, suối Quang Kim. Vì vậy mà ở một số điểm dân cư chưa được tiếp cận được các dịch vụ viễn thông và Internet, dẫn tới đời sống tinh thần và văn hoá của người dân còn hạn chế.
Để giúp người dân tiếp cận thông tin, tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 13 hỗ trợ phương tiện nghe, xem cho người dân. Từ đó, huyện Bát Xát đã triển khai thực hiện đến từng thôn, bản. Nhờ vậy, có 242 hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đã được hỗ trợ 248 thiết bị tivi, radio tại các xã A Lù, A Mú Sung, Y Tý, Ngải Thầu, Mường Hum, Pa Cheo, Mường Vi…
Điển hình tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát có 12 thôn, với hơn 1.150 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống. Trong đó, có 8 thôn biên giới, đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, nhờ được Nhà nước hỗ trợ các chương trình dự án đầu tư điện, đường… đã giúp người dân trong xã tiếp cận nhiều thông tin thông qua các chương trình phát sóng trên ti vi, điện thoại thông minh…
Ngoài những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn được hỗ trợ các thiết bị tivi, radio, người dân trong xã còn được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất; được hỗ trợ giống cây chuối, khoai môn để trồng thay thế cây sắn năng suất thấp.
Từ cách làm này, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Hiện tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm xuống còn gần 50%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/người/năm.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát Phạm Văn Tâm cho biết, đến thời điểm này, nếu tính theo thôn, tổ dân phố thì 100% khu vực trung tâm các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có sóng di động.
Tuy nhiên, do địa hình núi cao, địa bàn thôn rộng, bà con sinh sống rải rác, không tập trung, nhiều khu vực bị núi chắn sóng, nên còn điểm lõm sóng di động có 12 điểm sóng di động yếu. Toàn huyện mới có khoảng 95% hộ gia đình có thể thể xem truyền hình qua điện thoại Smartphone.
Đến nay, trên địa bàn huyện Bát Xát đã được VNPT tỉnh Lào Cai triển khai tới 21/21 các xã, thị trấn, với gần 8.250 hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp sim.
Nhằm khắc phục vùng lõm sóng mà sóng FM không vươn tới được, năm 2019, huyện Bát Xát đã triển khai lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP) trên nền tảng Internet để truyền tín hiệu từ trung tâm tới 21 xã, thị trấn và phát lại ở các cụm loa thôn, bản.
Sau một thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông huyện Bát Xát chia sẻ, với công nghệ này, dù phát sóng ở tỉnh hay huyện thì ở xã cũng sẽ bắt được sóng để truyền thanh tới tận thôn, bản.
Đặc biệt, ở Bát Xát, cán bộ văn hóa, cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về giảm nghèo bền vững trên hệ thống thông tin cơ sở, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin tuyên truyền...
Bà Cồ Thị Nhung, cán bộ phụ trách văn hóa, xã hội xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát tâm sự, bà được phân công phụ trách thêm Đài truyền thanh của xã nên thường xuyên xây dựng kế hoạch, chương trình phát thanh, xây dựng bản tin cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, huyện Bát Xát hiện còn gần 10.000 hộ nghèo, cận nghèo, trong số này còn khoảng 5% hộ gia đình đang thiếu hụt thông tin.
Vì vậy, thời gian tới, Bát Xát tiếp tục hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin giúp người nghèo, hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo bền vững.