Loại quả đem lại cái tết ấm no cho đồng bào Phong Niên
Cuối tháng 10, nông dân xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, đang vào mùa thu hoạch quả na trái vụ. Phong trào trồng na trái vụ mới bắt đầu khoảng 5 năm nay nhưng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Lào Cai đón mùa Tết êm ấm.
Chỉ cách đường biên giới Việt - Trung hơn 30 km, Phong Niên có 13 dân tộc anh em cùng chung sống. Tuy có diện tích rộng (4.303 ha) và có đường Quốc lộ chạy qua nhưng lại bị chia cắt phức tạp bởi núi đá, địa hình lại dốc, khe, suối nhỏ nên vấn đề canh tác gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển trong các thôn bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chính quyền hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng các vùng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) với một số loại cây có thế mạnh như: na, nhãn, bưởi, roi… với quy mô trên 200 ha. Nhờ vậy, thu nhập của bà con vùng dân tộc thiểu số nơi đây đã đạt trên 45 triệu/người/năm.
Những vườn na mang lại niềm vui
Vụ na trái mùa năm ngoái, vợ chồng ông Hoàng A Lỷ, bà Phạm Thị Mùi, thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên đã thu về khoảng 100 triệu đồng. Trồng na trên đất núi đá hơn 20 năm, nhưng đây mới là năm thứ 4 gia đình ông Lỷ áp dụng biện pháp kỹ thuật để “bắt” cây na ra hoa, ra quả trái vụ.
Khu vực thôn Cốc Sâm 2 đến Cốc Sâm 5 là vùng na chính của xã Phong Niên. Như gia đình chị Lùng Thị Thủy, ở thôn Cốc Sâm 2 có hơn 1.000 cây na đã cho quả. Nhờ thực hiện kỹ thuật này, ngoài vụ na chính thu hoạch vào tháng 5 đến tháng 6, hiện gia đình chị đang tiếp tục được thu vụ thứ 2, kéo dài đến hết tháng 11, giá bán cũng luôn ở mức cao.
Chị Thủy chia sẻ: "Thu được khoảng hơn 2 tấn. Giá bán tùy mã to mã nhỏ, dao động từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng/kg. Giá năm nay ổn hơn năm trước. Na trái vụ chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao".
Ưu điểm của việc thực hiện thụ phấn cho hoa để cây na ra quả trái vụ là không mất quá nhiều thời gian, tỷ lệ đậu quả đạt gần 90%. Đặc biệt, dù trái vụ nhưng chất lượng quả na vẫn được đảm bảo, quả to, mọng, mắt đều, vị ngọt mát đậm hơn so với chính vụ nên sản phẩm làm ra được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Áp dụng khoa học kỹ thuật và sự quyết tâm thoát nghèo của đồng bào
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, hiện người dân trên địa bàn đã áp dụng biện pháp kỹ thuật để mở rộng diện tích na trái vụ lên hơn 40 ha, chiếm khoảng 26% tổng diện tích na toàn huyện.
Ông Đặng Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: "Chúng tôi phải tổ chức các buổi tham quan, tập huấn nghiệp vụ để người dân nắm được kỹ thuật chăm sóc, thụ phấn cho cây, từ việc bón phân, cắt tỉa để cây có sức tốt nhất nuôi quả na trái vụ".
Trên cùng một cây na, nông dân Phong Niên đang tạo ra hai vụ quả. Vụ chính, na thụ phấn tự nhiên, bà con sẽ cắt tỉa một số cành, ép cây ra lộc. Trên những cành lộc đó sẽ ra đợt hoa mới, người trồng phải trực tiếp thụ phấn cho đậu quả, đồng thời, bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây. Như thế, tạo ra được mùa na trái vụ, làm phong phú thị trường, giúp gia tăng thu nhập, đặc biệt là vào thời điểm những tháng cuối năm.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng na trái vụ, người dân ở thôn Cốc Sâm 2 cho biết cây na phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Trồng na trái vụ tuy kỹ thuật không phức tạp nhưng tốn nhiều công chăm sóc.
Quả na trái vụ chính là một điển hình thành công của OCOP - chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Không chỉ đem lại cái tết ấm no cho bà con trong huyện, thành công của Phong Niên còn truyền cảm hứng cho các xã bạn học tập, phát triển.
Tuệ Linh