Nuôi cá tầm, trồng quế để thoát nghèo ở vùng cao Yên Bái
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; thời gian qua, tỉnh Yên Bái có nhiều dự án, giải pháp nhằm nâng cao thu nhập, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
Các mô hình chăn nuôi, trồng trọt đa dạng
Nà Hẩu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên với trên 90% dân số là người Mông. Tại đây, người dân thôn Bản Tát được định hướng tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như trồng quế, nuôi cá tầm. Bản Tát có 101 ha quế (trung bình mỗi hộ dân có từ 1-1,5 ha), 3 hộ chăn nuôi cá tầm.
Nà Hẩu có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp để chăn nuôi cá tầm. Do đó, mô hình này được kỳ vọng sẽ phát triển hơn nữa.
Ngoài ra, các hộ nghèo và cận nghèo tại Nà Hẩu còn thử nghiệm trồng bưởi, cam, đăng ký nuôi lợn nái, gà đen (quy mô lên đến vài trăm con). Theo Báo Yên Bái, thu nhập bình quân đầu người tại Nà Hẩu đạt gần 20 triệu đồng/năm; 80% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 89% hộ dân được sử dụng nước sạch; 100% người dân được tham gia bảo hiểm y tế.
Đối với xã vùng cao Hồng Ca, một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được thực hiện gồm chăn nuôi trâu bò của cộng đồng dân cư thôn Bản Khun và trồng dâu nuôi tằm của cộng đồng dân cư thôn Bản Chiềng. Bên cạnh đó, xã đăng ký mở 1 lớp dạy nấu ăn tại thôn Khe Ron, 1 lớp dạy chăn nuôi thú y tại thôn Khe Tiến và thời gian tới sẽ mở các lớp ở những thôn còn lại.
Ở xã Động Quan (Lục Yên), đời sống của người dân cũng được cải thiện nhờ sản xuất nông, lâm nghiệp. Với các nguồn vốn vay ưu đãi, 13 thôn của xã đều trồng rừng, tổng diện tích trên 2.500 ha. Giống cây trồng chủ yếu là keo, bồ đề và quế, mỗi năm khai thác khoảng 240 ha.
Tích cực truyền thông về giảm nghèo
Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế nói trên, tỉnh Yên Bái còn đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Giữa tháng 9/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh đã tổ chức chương trình truyền thông về giảm nghèo đa chiều dành cho hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cũng từ đó, ngày càng có thêm các phong trào thi đua, chương trình vận động ý nghĩa.
Theo Báo Yên Bái, tính đến đầu năm 2023, tỷ lệ hội viên phụ nữ xã Yên Thắng (huyện Lục Yên) tham gia BHYT mới đạt 78%. Để phấn đấu đạt tỷ lệ 90%, Hội Phụ nữ xã đã triển khai cuộc vận động mang tên "Hũ gạo tình thương, tặng thẻ BHYT, trao gửi yêu thương” vào tháng 10. Gần 1.000 hội viên thuộc 7 chi hội đều tham gia.
Bà Nguyễn Thị Bích Điệp, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Thắng, cho biết chương trình đã quyên góp được trên 500 kg gạo và hơn 1 triệu đồng để thực hiện tặng thẻ BHYT cho 40 hội viên (trong đó có 25 hội viên phụ nữ cận nghèo).
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lục Yên, cuộc vận động "Hũ gạo tình thương, tặng thẻ BHYT" là cách làm sáng tạo của phụ nữ xã Yên Thắng và sẽ được triển khai nhân rộng ra toàn huyện. Đây cũng là giải pháp thiết thực, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của các cấp Hội.
Đồng thời, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện Lục Yên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên về các chính sách BHYT, từ đó vận động người thân tham gia.
Hà Thu