Người nghèo Trà Vinh sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi tạo sinh kế
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.
Dù có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai nhưng Trà Vinh vẫn là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của khu vực. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, trong thời gian gần đây, tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp huy động các nguồn lực giúp người nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao mức sống.
Gia đình chị Nguyễn Thị Sen ở thành phố Trà Vinh là một hộ nghèo lâu năm. Gia đình có 4 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng ít đất sản xuất nên thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau.
Tháng 6/2013, chị được Trưởng Ban nhân dân khóm 6 và Hội Phụ nữ phường phổ biến chính sách cho vay ưu đãi của Nhà nước dành cho hộ nghèo từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động gia đình tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống.
Theo đó, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn 14 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình chị vào thời điểm đó.
Được vay vốn, chị đã mua một con bò sinh sản, làm chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò. Sau hơn 1 năm, bò mẹ bắt đầu sinh bê con và cứ như thế, gia đình chăn nuôi để tăng đàn, đến nay đã được 10 con. Gia đình chị đã bán một số con bò để sửa chữa nhà cửa và dành tiền lo cho các con ăn học.
Đến năm 2019, gia đình chị Sen được chính quyền địa phương xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo. Năm 2020, chị tiếp tục được vay vốn 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo. Chị đã mua thêm bò sinh sản để nhân đàn. Hiện cuộc sống gia đình đã ổn định, vươn lên khá giả.
Cũng nhờ nguồn vốn vay tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Nguyễn Văn Hưng ở xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải đã có cơ hội để phát triển mô hình kinh tế trồng rau sạch và vươn lên làm giàu.
Ông Hưng tâm sự, lúc mới bắt đầu xây dựng mô hình, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là nguồn vốn để đầu tư. Được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng, vợ chồng ông đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 300 m2 nhà trồng rau.
Sau khi tham khảo thị trường về mức tiêu thụ của các loại rau, gia đình ông đã tập trung trồng các loại rau màu. Đây là những loại rau được người dân tiêu thụ nhiều nên dễ tìm đầu ra cho sản phẩm. Do áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc an toàn nên hiện tại, giá thành đầu ra cho sản phẩm rau của gia đình ông cao hơn so với các nơi khác.
Nhờ vậy, qua 1 năm, mô hình trồng rau của gia đình ông Hưng cho thu hoạch khoảng 9 tấn các loại, sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng. Ngoài mô hình trồng rau, vợ chồng ông còn đầu tư mua một máy cuộn rơm để phát triển kinh tế.
Từ những người nông dân có xuất phát điểm thấp, sau khi được vay vốn tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ từ cận nghèo đã vươn lên hộ có thu nhập khá. Với những kết quả mang lại, có thể khẳng định rằng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có vai trò lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nguồn vốn phát huy hiệu quả cao nhất
Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, các chương trình tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã giúp trên 138.000 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 100.000 lao động; gần 35.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 111.300 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng mới trên 36.000 căn nhà cho hộ nghèo…
Ông Dương Huy Phong, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh cho hay, để nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả cao nhất, Chi nhánh đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên.
Đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội trên 3.391 tỷ đồng, với gần 121.000 khách hàng đang dư nợ, chiếm trên 98% tổng dư nợ tín dụng chính sách đang triển khai tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Ông cho biết thêm, phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội thể hiện tính ưu việt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước. Gắn kết ngân hàng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội với Tổ tiết kiệm và vay vốn, chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác lồng ghép hiệu quả các chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Trà Vinh hiện còn 10.207 hộ nghèo, chiếm 3,56% so với tổng số hộ dân cư.
Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,5%/năm. Đồng thời thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách giảm nghèo để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo. Phấn đấu mỗi năm tăng bình quân từ 1 - 1,5% hộ nghèo được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp với các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều.
Văn Giáp, Ngọc Quý, Minh Thúy