Ngựa bạch nơi vùng cao Bắc Hà: Khi di sản trở thành tài sản
Nuôi ngựa bạch đang trở thành hướng phát triển kinh tế mới, chủ động trong khai thác lợi thế địa phương giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) giảm nghèo.
Người bạn quý của người dân vùng cao
Do đặc điểm địa hình, địa thế hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên từ xa xưa, con ngựa đã gắn bó mật thiết với cuộc sống người dân khắp vùng Tây Bắc nói chung, cũng như với người dân Bắc Hà nói riêng.
Ngựa vừa là người bạn thân thiết vừa là phương tiện vận chuyển quan trọng hằng ngày. Hình ảnh con ngựa lầm lũi thồ hàng, theo chân bà con đồng bào dân tộc xuống chợ đã trở nên quen thuộc, là một phần bản sắc văn hóa của đồng bào. Họ yêu thương, gắn bó với những chú ngựa đã bao đời đồng hành cùng họ trong cuộc sống nơi núi cao, sương trắng.
Đường núi vùng cao đèo dốc quanh co, đá núi gập ghềnh, chỉ có con ngựa mới có khả năng giúp đồng bào gieo bắp, gieo lúa trên đỉnh núi, sườn non chênh vênh. Họ sống nơi đỉnh núi heo hút, quý ngựa như người xuôi từng yêu và nâng niu chiếc Honda của mình. Ngựa cùng đồng bào Mông xuống chợ phiên, trên lưng mang theo ngô, lúa và sản vật của đồng bào mà những chiếc xe máy không vượt được suối và dốc đèo, sức kéo của ngựa vừa bền vừa lớn nên nó giúp ích cho người Mông cả những lúc kéo củi, kéo gỗ ở rừng về hay kéo đá, kéo phân ngược dốc lên xây nhà, làm nương, ngựa đều giúp sức cho con người.
Không chỉ gắn bó mật thiết với đời sống lao động và tinh thần cũng như cung cấp thực phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, hình tượng con ngựa còn đi vào trong văn hóa dân gian của đồng bào, qua những câu dân ca, tục ngữ, xuất hiện trong lễ cúng, đám tang, đám cưới, các lễ hội với vai trò quan trọng.
Riêng Bắc Hà, lễ hội đua ngựa truyền thống của huyện được tổ chức thường niên vào tháng 6 hàng năm đã trở thành một festival thu hút du khách, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và là thương hiệu gắn liền với địa danh Cao nguyên trắng.
Hướng đi mới giúp xóa đói giảm nghèo
Những năm gần đây, người dân Bắc hà đang khôi phục lại nghề chăn nuôi ngựa sinh sản vì con ngựa đang có “đầu ra” thuận lợi và có lãi khá.
Gia đình ông Vương Văn Tinh là một trong những hộ dân nuôi ngựa bạch thành công, kinh nghiệm dày dặn được tích lũy sau nhiều năm chăn nuôi. Ông Tinh cho biết, loại vật nuôi này ít bị dịch bệnh, dễ chăm sóc lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên thị trường, một con ngựa bạch thương phẩm đang có giá bán từ 80 đến 100 triệu đồng nếu chế biến cao sẽ cho giá trị khoảng 130 triệu đồng/con. Bình quân hàng năm, từ việc nuôi và chế biến cao ngựa bạch mang về cho gia đình ông Tinh nguồn thu từ 300-400 triệu đồng.
Ngựa bạch để nấu cao có giá cao gấp 5-6 lần ngựa thịt nhưng khó tìm mua. Chính vì thế, các cấp chính quyền Bắc Hà đã triển khai các mô hình nuôi ngựa bạch trên địa bàn xã nhằm hỗ trợ người dân, thay vì nuôi ngựa tự phát. Việc liên kết giúp các hộ chăm nuôi ngựa bạch có chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi hơn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022-2030.
Để để mô hình tiếp tục phát triển trong thời gian tới Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Thị Nga đề nghị các hộ dân, cấp ủy xã tiếp tục phát triển đàn ngựa bạch trên địa bàn gắn với phát triển du lịch bản địa; liên kết sản suất với các cơ sở bên ngoài để xây dựng thương hiệu, sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu, đồng thời giúp người dân tiếp cận kỹ thuật về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, chọn con giống, qua đó giúp phát triển vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung bền vững, tạo việc làm cho lao động, tăng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.