Nghệ An nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho phụ nữ nghèo ở nông thôn, miền núi
Hơn 1.100 gia đình hội viên phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo trong năm 2022 là một con số ấn tượng cho thấy sự nỗ lực của phụ nữ Nghệ An trong việc chuyển đổi nhận thức, làm giàu chính đáng.
Được tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liên Hợp tổ chức đối với chị Lang Thị Hiền ở bản Lòng, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp rất có ý nghĩa. Theo chị, cùng với công việc đồng áng, chị đã có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để gắn bó với nghề dệt, tạo nguồn thu nhập ổn định từ công việc thứ hai này. Từ đó giúp gia đình chị có cuộc sống khấm khá.
Cùng với chị Hiền, nhiều phụ nữ trong bản được theo học miễn phí hơn 2 tháng. Tiếp cận những họa tiết mới, kiểu dáng mới, cách thức triển khai mới đã giúp cho những sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường để tạo thêm nguồn thu đáng kể.
Nắm bắt được nhu cầu của phụ nữ trên địa bàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh và huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi, trồng trọt, thú y, dệt thổ cẩm cho các hội viên.

Được biết, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động yếu thế, người nghèo; đẩy mạnh công tác tư vấn, định hướng nghề cho lao động nữ.
Năm 2022, các cấp Hội Phụ nữ của tỉnh đã phối hợp với Sở Công Thương, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, các trung dạy nghề hướng nghiệp, các doanh nghiệp tại các địa phương, Trung tâm Khuyến công, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư mở các lớp dạy nghề và giới thiệu tham gia học nghề tại các cơ sở khác cho 14.133 lao động nữ. Các nghề thu hút sự tham gia của nhiều hội viên phụ nữ như kỹ thuật may công nghiệp, kỹ thuật chế biến ăn uống, kỹ thuật chăn nuôi, mây tre đan, thổ cẩm, kỹ thuật trồng nấm. Từ đó, đã có 11.023 lao động có việc làm với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo tư vấn, giới thiệu việc làm cho 8.869 lao động nữ trên địa bàn đi làm tại các công ty may mặc, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn và xuất khẩu lao động.
Thông qua những chương trình, hoạt động hiệu quả trên, phụ nữ Nghệ An, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm cho mình một sinh kế thoát nghèo bền vững. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của các địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Nhật Minh