Kết quả tích cực trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Quảng Ninh
Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, cao hơn mức chuẩn nghèo chung của cả nước.
Xây mới, sửa chữa 441 căn nhà
Quảng Ninh thông tin bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chương trình giai đoạn 2023-2025. Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cấp huyện, cấp xã được thành lập, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, ban, ngành liên quan.
Các đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả, kịp thời các dự án, chương trình giảm nghèo, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, như: hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, truyền thông và giảm nghèo về thông tin; hỗ trợ về y tế, giáo dục đào tạo, nhà ở... Toàn tỉnh đã cấp 557 thẻ BHYT cho người nghèo, 8.003 thẻ BHYT cho người cận nghèo.
Từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 2.100 lượt học sinh được hỗ trợ học phí (tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng); 3.171 lượt trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa 2 buổi/ngày (gần 3 tỷ đồng).
Với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2023 cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, toàn tỉnh đã huy động được gần 33 tỷ đồng cùng sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ gần 9.000 ngày công; ủng hộ nguyên vật liệu, hiện vật tổng trị giá hơn 4,5 tỷ đồng. Nhờ đó, 441 hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được xây mới, sửa chữa nhà ở.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát mang ý nghĩa to lớn về giá trị nhân văn, từng bước rút ngắn khoảng cách về chất lượng đời sống trong nhân dân, giúp các hộ gia đình khó khăn yên tâm lao động sản xuất. Do đó, Quảng Ninh đã huy động mọi nguồn lực, cùng sự chung sức của cả cộng đồng để không ai bị bỏ lại phía sau.
Tính riêng huyện Bình Liêu, 19 hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa với mức kinh phí xây mới là 80 triệu đồng/hộ. Nguồn kinh phí huy động được cho Đông Triều là 5 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền được phân bổ công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà xây mới và 40 triệu đồng/nhà sửa chữa. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng, các công trình đều được giám sát thường xuyên.
Bằng sự cố gắng, đoàn kết, huyện Hải Hà về đích sớm chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát từ cuối tháng 8. Toàn huyện có 33 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người khuyết tật, neo đơn, người cao tuổi cần được hỗ trợ. Huyện đã huy động nguồn lực trên 4,6 tỷ đồng, đạt 236% so với kế hoạch đề ra; việc xây, sửa chữa nhà ở được thực hiện vượt tiến độ.
Là một trong những hộ của huyện Hải Hà được hỗ trợ, bà Trần Thị Dũng (xã Quảng Minh) bày tỏ gia đình còn nhiều khó khăn, không có nguồn thu nhập ổn định, nên không có điều kiện làm lại ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Nhờ có chương trình, với 80 triệu đồng hỗ trợ của huyện cùng sự giúp đỡ về ngày công, nguyên vật liệu, mong ước bấy lâu nay của gia đình thành hiện thực.
Theo chuẩn nghèo đa chiều của Chính phủ, Quảng Ninh hiện không còn hộ nghèo. Đối với chuẩn nghèo của Quảng Ninh (quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh), toàn tỉnh còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064%; 3.066 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Đến cuối năm 2023, tỉnh giảm 165 hộ nghèo và 1.142 hộ cận nghèo.
Hà Thu