Hoà Bình: Giải quyết các chiều thiếu hụt, thúc đẩy giảm nghèo bền vững
Hiện nay, đời sống người nghèo ở tỉnh Hoà Bình từng bước được cải thiện thông qua việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã đi qua nửa chặng đường. Những kết quả tích cực của chương trình góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh Hoà Bình.
Đặc biệt làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh. Đời sống người nghèo từng bước được cải thiện thông qua việc tăng cường hỗ trợ các chiều thiếu hụt.
Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025), tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh Hoà Bình là 26,14%. Trong đó, hộ nghèo 34.029 hộ, chiếm 15,49%; hộ cận nghèo 2.388 hộ, chiếm 10,65% số hộ toàn tỉnh.
Đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm còn 22,32%. Trong đó, hộ nghèo 12,29% (giảm 3,2%), hộ cận nghèo 10,03% (giảm 0,62%).
Hiện nay, qua đo lường chỉ số về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, toàn tỉnh Hoà Bình có trên 18.800 hộ nghèo thiếu hụt chiều việc làm; trên 19.000 hộ nghèo thiếu hụt chiều y tế; 4.130 hộ nghèo thiếu hụt về giáo dục; gần 16.700 hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở; trên 18.500 hộ nghèo thiếu hụt về nước sạch, vệ sinh môi trường; gần 11.000 hộ nghèo thiếu hụt về tiếp cận thông tin.
Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp, nhất là giải pháp huy động vốn, lồng ghép nguồn lực.
Bên cạnh vai trò dẫn dắt, tạo động lực của Ngân hàng Nhà nước, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực xã hội, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp tình hình thực tế và tăng cường các nguồn huy động, đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân, vốn đối ứng, đóng góp của người dân và đối tượng thụ hưởng.
Bảo đảm cân đối, bố trí, huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu nguồn vốn đã được quyết định. Lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo với các dự án, nội dung thuộc chương trình trên địa bàn các huyện nghèo, xã vùng đặc biệt khó khăn.
Mặt khác, tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở nhằm tạo sự chủ động cho cơ sở, nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện chương trình.
Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn nghèo thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá sinh kế, mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại tỉnh Hoà Bình được phân bổ trên 294,6 tỷ đồng. Các chính sách giảm nghèo chung được quan tâm, đảm bảo thực hiện như chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ người nghèo tiền ăn Tết Nguyên đán Quý Mão.
Về thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tính đến tháng 6/2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho 16.241 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay gần 630,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình: Công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, tỉnh chú trọng làm tốt việc tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của người nghèo trong tự ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và xã hội.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tiếp tục ưu tiên bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu. Xây dựng bổ sung thêm chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương nhằm hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào các dân tộc sinh sống tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Triển khai thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, mới thoát nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế vì mục tiêu giảm nghèo bền vững và hiệu quả…