Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tiếp cận thông tin
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức Hội nghị Tập huấn tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.
Tại Hội nghị, bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân...
Trình bày về một số chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021 - 2025, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Thông tin và Tuyền thông đã tập trung thông tin về chính sách giảm nghèo về thông tin giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; một số chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, yêu cầu chung đối với công tác thông tin, truyền thông về công tác giảm nghèo đa chiều đối với các cơ quan báo chí, truyền thông là: Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về công tác giảm nghèo đa chiều trên cơ sở các chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Các cơ quan báo chí, truyền thông tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, ngành và toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và công tác huy động nguồn lực đóng góp cho công tác giảm nghèo bền vững. Tình hình thực hiện giảm nghèo đa chiều trên các lĩnh vực; những kinh nghiệm trong sản xuất, gương điển hình về giảm nghèo bền vững.
Các cơ quan báo chí phổ biến, định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, bình đẳng giới; về quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, ưu tiên công tác thông tin, tuyên truyền đến khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Văn Thường,Bích Hạnh, Ngọc Ánh