Hành trình giữ rừng để thoát nghèo ở Tây Giang
Công tác thoát nghèo luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm với yêu cầu sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành ở huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.
Hơn 90% là người dân tộc thiểu số
Huyện Tây Giang có diện tích tự nhiên hơn 91.000ha với dân số khoảng 21.400 người, là nơi sinh sống của 14 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Cơtu chiếm hơn 91%; dân tộc Kinh chiếm khoảng 8%; còn lại là các dân tộc khác, như: Mường, Tày, Thái, Tà ôi, Mơ nông, Cadong, Hre, Giẻ triêng, Giáy, Thổ, Hoa, Cor…
Huyện có 10 xã/63 thôn, trong đó có 8 xã biên giới gồm: Gari, Axan, Ch’ơm, Tr’hy, Lăng, Atiêng, Anông, Bhalêê và 2 xã nội địa là Avương, Dang. Trung tâm huyện nằm trên địa bàn xã Atiêng, cách thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam hơn 180km, cách thành phố Đà Nẵng hơn 125km. Tây Giang có 67km đường biên giới với nước bạn Lào, với 30km đường Hồ Chí Minh đi qua.
Do địa hình đồi núi cao, Tây Giang thường xuyên đối diện với thiên tai khắc nghiệt, đặc biệt là sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, gây nhiều khó khăn cho đời sống và phát triển xã hội của bà con. Năm 2022 qua rà soát, Tây Giang còn 3.205 hộ nghèo/5.490 hộ dân số, chiếm 58,37% (giảm 7,76%).
Giữ rừng và trái ngọt
Nhằm tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo bền vững địa phương đã triển khai chương trình hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, phát triển cây dược liệu nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân… Lồng ghép nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo, phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi, nông thôn mới để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân, tập trung vào các tiêu chí hiện đang thiếu hụt theo chuẩn nghèo đa chiều mới, với mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 40%.
Một trong những điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở Tây Giang chính là việc khai thác thế mạnh là rừng gắn liền với việc giữ gìn, bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này.
Tây Giang hỗ trợ người dân xây dựng kinh tế vườn rừng, phát triển chăn nuôi, trồng dược liệu dưới tán lá rừng nhằm tạo sinh kế bền vững cho bà con. Trong mùa thu hoạch hai loại cây dược liệu chính là ba kích và đẳng sâm năm nay, gia đình ông Cơlâu Nhiên (thôn Ariêu, xã Trhy) có thêm nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng nhờ bán sản phẩm dược liệu cho thương lái. Đây là vụ thu hoạch đầu tiên của gia đình ông.
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp du lịch vào huyện đầu tư mở các tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm như leo núi, đua xe địa hình, dù lượn …, du lịch nghỉ dưỡng nhằm khai thác tốt tài nguyên rừng hiện có của huyện như rừng di sản cây Pơ mu, rừng hoa Đỗ Quyên cổ trên đỉnh K’lang cao 2.005m so với mặt nước biển, rừng Lim nguyên sinh và một số sông, suối gắn với văn hoá bản địa của người Cơ tu.
Để có thể khai thác nguồn tài nguyên rừng một cách bền vững, huyện liền phát triển với bảo vệ môi trường sinh thái. Với hướng đi này, người dân tham gia cung ứng nhân lực, các món ẩm thực địa phương, phát triển du lịch cộng động, có sinh kế đảm bảo cuộc sống ấm no, đồng thời giảm dần sản xuất nông nghiệp, giảm phá rừng làm nương rẫy.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu “Đến năm 2030, Tây Giang nằm trong nhóm phát triển của các huyện miền núi Quảng Nam”. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động tối đa, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; đẩy mạnh chương trình giãn dân, lập vườn, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, giảm nghèo bền vững cho đồng bào, nhất là bà con ở khu vực các xã biên giới.
Tuệ Nhi