Đào tạo nghề gắn với việc làm bền vững tại Hòa Bình
Nhiều địa phương tại Hòa Bình chú trọng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Mai Châu đạt hiệu quả tích cực
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Mai Châu đã tăng cường mở các lớp đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Bên cạnh đó, hàng năm, ngân sách huyện cũng dành một phần kinh phí để mở lớp nghề. Đối tượng được đào tạo là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Các lớp nghề được tổ chức gắn với quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới và dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động.
Năm 2023, thuộc khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã xây dựng kế hoạch mở 12 lớp, bình quân 30 học viên/lớp. Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở 15 lớp nghề trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 525 học viên; 2 lớp thuộc nguồn ngân sách huyện cấp với 70 học viên. Các lớp nghề chủ yếu về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thêu ren, sửa chữa máy nông nghiệp, nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch...
Tại xóm Nà Piềng (xã Nà Phòn), chị em được tham gia lớp dạy trồng nấm rơm. Chị Hà Thị Nhung, trưởng nhóm, cho biết: "Trước đây, thu hoạch lúa xong, người dân trong xóm thường đốt rơm mà không biết đã vô tình làm sản sinh ra khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi học nghề, chúng tôi được phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ thuật, thực hành làm nấm theo quy trình ủ rơm rạ, cấy meso (cấy giống), chăm sóc, thu hái, bảo quản... Chúng tôi cũng mong muốn sau khóa học sẽ thuần thục các thao tác kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, tận dụng nguồn rơm rạ tạo thành phẩm nấm rơm để chí ít là cải thiện bữa ăn trong gia đình. Với hộ làm nhiều có thể tạo ra hàng hóa tiêu thụ trên thị trường góp phần tăng thu nhập".
Được biết, sau những khóa học ngắn, hàng trăm lao động đã có cơ hội vào làm việc tại hợp tác xã dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Châu và 2 xưởng may ở xã Tòng Đậu, Mai Hạ.
Theo bà Hà Thị Hương, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mai Châu, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm tại chỗ phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Qua khảo sát, trên địa bàn có khoảng 85% lao động tự tạo việc làm và có việc làm mới sau đào tạo nghề. Năm 2022, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của huyện đạt 53,68%.
Những tấm gương vươn lên
Không chỉ Mai Châu, những địa phương khác của tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng tạo việc làm, mở rộng mô hình sản xuất để thoát nghèo, đề cao tinh thần học hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Chị Bùi Thị Huệ, sinh năm 1985, ở xã Văn Nghĩa (huyện Lạc Sơn) là một trong những tấm gương điển hình trong nỗ lực thoát nghèo, thay đổi cuộc sống.
Cách đây vài năm, chị học nghề mây tre đan ở một làng nghề. Sau khi đã thạo việc, chị nhận nguyên liệu về làm tại nhà. Dần dần, chị tìm được nhà đầu tư tốt và doanh nghiệp lớn để nhập hàng trực tiếp. Doanh nghiệp đòi hỏi số lượng đơn hàng ngày càng nhiều, chị Huệ rủ thêm các chị em trong xóm cùng làm.
Với sự hướng dẫn của chị Huệ, nhiều chị em trở thành lao động lành nghề, đảm bảo bình quân thu nhập đạt 150-200 nghìn đồng/ngày công. Họ làm ra những sản phẩm giỏ đựng bánh kẹo, khay bưng bê đồ ăn, khay để đồ…
Chị Huệ là đầu mối đứng ra nhận nguyên liệu về cho lao động và thu sản phẩm, trả đơn hàng cho doanh nghiệp ở Hà Nội. Ngoài ra, chị Huệ còn làm đầu mối thu mua cho một số hộ ở xã lân cận như Tuân Đạo, Quý Hòa.
Tại xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn), anh Bùi Văn Kiên đã liên kết cùng một cơ sở làng nghề ở Hà Nội mở rộng đơn hàng mây tre đan xuất khẩu từ cách đây 5-6 năm. Anh trở thành đầu mối trung chuyển nguyên vật liệu cho một số hộ trong xóm và nhận lại sản phẩm, trả tiền công cho bà con. Từ xuất phát điểm hộ cận nghèo, năm 2023, gia đình anh đã có mức sống trung bình khá, đồng thời giúp các thành viên trong nhóm hộ nghèo, cận nghèo vươn lên.
Một cơ sở sản xuất mây tre đan quy mô khác tại xã là cơ sở của anh Bùi Văn Quỳnh, đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 70 lao động. Cơ sở này còn tích cực phối hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện mở lớp đào tạo nghề cho phụ nữ các xã khác, góp phần phát triển mô hình làng nghề với phạm vi lớn hơn.
Hà Thu