Cao Bằng nỗ lực giúp người nghèo ổn định nhà ở
Nhiều địa phương xác định an cư, lạc nghiệp là bước đệm quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai theo chương trình làm nhà cho hộ nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Nhiều địa phương xác định an cư, lạc nghiệp là bước đệm quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Bảo Lâm đã xây mới, sửa chữa hơn 400 nhà
Toàn huyện Bảo Lâm có 2.185 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở; trong đó 1.316 nhà xây mới, 869 nhà sửa chữa (bao gồm cả số hộ thuộc đề án nhà tạm, nhà dột nát chuyển sang).
Đến nay, 426 hộ đã được giải ngân với số vốn trên 15,6 tỷ đồng. 214 hộ xây nhà mới với tổng kinh phí trên 7,7 tỷ đồng, 212 hộ sửa chữa với tổng kinh phí trên 6,3 tỷ đồng. Còn lại, 193 hộ đã làm nhà xong nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí.
Khó khăn mà huyện Bảo Lâm gặp phải là nhiều hộ gia đình không có vốn đối ứng, thiếu nhân lực nên phải chờ kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước. Ngoài ra, giao thông không thuận lợi, gây khó cho khâu vận chuyển vật liệu xây dựng tới các hộ dân, từ đó ảnh hưởng đến giá thành thi công.
Có những trường hợp đang trong quá trình sửa chữa, cải tạo thì nhà bị hư hỏng nặng, không thể sửa tiếp được nên phải chuyển sang xây mới. Kinh phí tăng là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, có hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng kinh tế lại rất khó khăn, chỉ dựa vào kinh phí hỗ trợ thì không đủ sửa chữa, làm nhà mới.
Do đó, để tiếp tục thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, huyện tranh thủ các nguồn lực tại chỗ, cấp ủy, chính quyền các cấp huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Chú trọng vào nhà ở, đào tạo nghề
Thời gian qua, huyện Hòa An cũng tập trung hỗ trợ làm nhà ở cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Hòa An có 15 xã, thị trấn; tổng số hộ nghèo là 1.850/13.998 hộ, chiếm 13,25%.
Huyện có 760 hộ thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, có 9 nhà lắp ghép, 459 nhà làm mới, 81 nhà sửa chữa (2 tiêu chí cứng), 211 nhà sửa chữa (3 tiêu chí cứng). Đến nay, 437 nhà đã hoàn thành, gồm 1 nhà lắp ghép, 285 nhà làm mới, 48 nhà sửa chữa 2 tiêu chí cứng và 103 nhà sửa chữa 3 tiêu chí cứng.
Để công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt hiệu quả cao hơn, huyện Hòa An sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự tham gia đóng góp kinh phí từ các nhà hảo tâm, sự chung tay, nỗ lực của người dân.
Ngoài chính sách về nhà ở, các huyện khác ở Cao Bằng còn chú trọng vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ví dụ, tại huyện Hà Quảng, anh Trương Văn Công (xã Cần Yên) được tham gia lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm. Sau đó, anh xây dựng mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao. Anh Công chia sẻ nhiều năm qua gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ vì thiếu kiến thức. Hiện nay, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại rộng khoảng gần 1.000 m2, nuôi 40 con lợn nái, hơn 400 con lợn thịt.
Chị Hoàng Thị Huệ (xã Nội Thôn) tham gia lớp đào tạo nghề trồng cây gừng, nghệ và đã trồng hơn 1 ha gừng, nghệ theo đúng kỹ thuật. Được biết, mỗi năm, gia đình chị thu nhập hơn 40 triệu đồng từ gừng, nghệ.
Huyện Hà Quảng xác định đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế để giải quyết việc làm bền vững. Trên cơ sở đó, huyện ban hành nhiều chính sách, kế hoạch thực hiện, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân; căn cứ vào thế mạnh của từng địa phương để lựa chọn nghề phù hợp cho lao động.
Hà Thu