Bạc Liêu: Nâng cao nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên của hộ nghèo
UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc nội dung nghị quyết về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025.
Thực hiện Nghị quyết số 13 của Tỉnh ủy Bạc Liêu về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc nội dung nghị quyết nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13 phải tiến hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2023/1/3/239508340-203224075112959-808852008488597798-n-516.jpg?width=0&s=4JK_DgaZc7DR9Wc-BZvptQ)
Để hoàn thành nhiệm vụ này, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp đối với công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục quán triệt các mục tiêu, quan điểm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết số 13. Xây dựng mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo động lực cho công tác giảm nghèo.
Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và đề cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở đối với công tác giảm nghèo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác giảm nghèo.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác giảm nghèo. Vận động mạnh thường quân phát huy tinh thần "tương thân tương ái", trực tiếp tham gia giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, tích cực hưởng ứng phong trào “Thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no”, “Giảm nghèo theo địa chỉ”…
Truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng bằng nhiều hình thức
Có thể nói, thành công của công tác giảm nghèo chính là nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên cho các hộ nghèo. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, các ngành và các cấp ủy Đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo bền vững.
Tăng cường công tác triển khai, quán triệt, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác giảm nghèo, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp giảm nghèo bền vững.
Đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến nhân dân, nhất là người nghèo bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của người nghèo, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Xây dựng, phát triển trang thông tin điện tử về giảm nghèo của tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; cập nhật tin, bài tuyên truyền, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững; trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực giảm nghèo…
Song song đó, không ngừng đổi mới tư duy, phương thức giảm nghèo theo hướng hỗ trợ người nghèo có năng lực sản xuất, có việc làm và thu nhập ổn định. Triển khai và thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và các chính sách đặc thù của tỉnh hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo. Tiếp tục hỗ trợ, chăm lo về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, hố xí hợp vệ sinh, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản để ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, hạn chế phát sinh hộ nghèo và tái nghèo.
Hoàn thành và tiếp tục đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn nhằm giải quyết cơ bản, đồng bộ chính sách nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo. Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh, duy tu, bảo dưỡng công trình trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng các hình thức sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ về giống và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Xây dựng nhiều mô hình ứng dụng có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và những mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất của hộ nghèo, người nghèo…
Đức Yên, Ngọc Chính, Thu Hà