Xóa đói giảm nghèo - mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng đất nước
Giảm nghèo bền vững đã trở thành chính sách nền tảng, xuyên suốt, luôn được cập nhật, bổ sung trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của người dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, việc đề ra mục tiêu kép “giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật” là một bằng chứng thể hiện sự phát triển về tư duy lý luận của Đảng và cần phải được hiện thực hóa thành công.
Việc đề ra mục tiêu kép “Giảm nghèo bền vững gắn với khuyến khích làm giàu theo pháp luật” đã được Đảng Cộng sản Việt Nam bước đầu đặt ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng năm 1996. Báo cáo Chính trị Đại hội VIII nhấn mạnh: Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói, giảm nghèo, không để diễn ra chênh lệch quá đáng về mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng, các tầng lớp dân cư(1). Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Báo cáo Chính trị của Đại hội đã xác định: Khuyến khích làm giàu hợp pháp, đồng thời ra sức xoá đói giảm nghèo, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất để các vùng, các cộng đồng đều có thể tự phát triển, tiến tới thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Trên tinh thần nhìn thẳng và đánh giá đúng sự thật, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã chỉ ra những bất cập của đất nước hiện nay: chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã đặt ra mục tiêu: giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng xã hội Đặc biệt là, triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo; hạn chế bất bình đẳng xã hội. Khuyến khích làm giàu theo pháp luật, phát triển mạnh tầng lớp trung lưu gắn với trách nhiệm xã hội. Và gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, quan tâm lĩnh vực công tác xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân. Đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, đảm bảo bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là với lao động phi chính thức.
Như vậy, nếu như trước đây chính sách xóa đói giảm nghèo được đề cập một cách khá chung chung, thì đến Đại hội IX đã xuất hiện các từ khóa: “tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng”, “năng lực sản xuất”, “tự phát triển” đã được cụ thể hóa; đặc biệt đến Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt ra mục tiêu kép: “Giảm nghèo bền vững gắn liền với khuyến khích làm giàu theo pháp luật”.
Điều này thể hiện sinh động mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà chúng ta hướng tới là một xã hội giàu có.
Văn Giáp, Vân Anh, Nguyễn Vân Anh