Trí thức hóa nông dân
Trong tham luận tại hội nghị Trung ương 5 vừa diễn ra, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh yêu cầu phải trí thức hóa nông dân, giúp nông dân làm giàu.
Chia sẻ suy nghĩ cũng như góc nhìn về hàng chục triệu bà con nông dân, Bộ trưởng Hoan cho biết, trước Tết vừa qua, có nhà báo nêu câu hỏi với ông: “Nông dân chúng ta giàu hay nghèo? Giải pháp nào để tăng thêm thu nhập cho người nông dân?”. Theo ông, không dễ để đưa ra câu trả lời chuẩn xác.
So với năm 2008, năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, cao hơn gấp 4 lần. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn đã được cải thiện. Một số hộ nông dân trở nên khá giả và giàu có nhờ vào sản xuất, kinh doanh nông sản.
Tuy nhiên, chỉ số thu nhập bình quân khó phản ánh hết sự bấp bênh trong sinh kế của phần lớn nông dân hay sự chênh lệnh thu nhập giữa các vùng sinh thái, giữa trồng lúa, trồng rừng với canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác…
Theo số liệu từ khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi ha mỗi năm, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2-3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản, và tất yếu là đất sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại giá trị nội sinh thấp hơn so với chuyển đổi sang các ngành kinh tế khác.
Ngoài yếu tố khách quan do lợi thế so sánh giữa các khu vực kinh tế, mức chênh lệch đó còn cho thấy giới hạn của người nông dân trong khả năng tạo ra giá trị thặng dư từ đất. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp rất thấp như chúng ta thường đánh giá, trăn trở.
Thực trạng đó còn khiến cho gần 85% diện tích đất tự nhiên hiện là đất nông nghiệp, trong đó khoảng 30% đã bị thoái hoá. Nhưng đất đai dù có chai cằn thì vẫn là sinh kế của hàng chục triệu nông dân.
Hiện nay, trong triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM, người nông dân được xem là chủ thể, được đặt vào vị trí trung tâm. Nhưng muốn thực hiện được vai trò chủ thể và tương xứng với vị trí trung tâm, điều cần làm và phải làm, cần thiết và cấp thiết, người nông dân cần được nâng cao năng lực thông qua trí thức hoá.
Theo ông, ngành nông nghiệp thời gian qua chủ yếu hỗ trợ nông dân sản xuất sao cho tốt nhất, năng suất cao nhất, sản lượng nhiều nhất. Công tác quản lý, điều hành sản xuất được quan tâm sát sao. Cả guồng máy vận hành toàn lực để bảo đảm những vụ mùa bội thu, phòng ngừa dịch bệnh, cung cấp, tiêu thoát nước kịp thời…
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng chia sẻ, “biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng” đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi, để thích ứng tốt hơn với một thế giới đầy rẫy “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ”. Sự thay đổi quan trọng nhất cần bắt đầu từ chính mỗi người nông dân - những người trực tiếp hàng ngày sản xuất, kinh doanh nông sản.
Không phải ngày một ngày hai, không thể tự dưng mà người nông dân “chân lấm tay bùn” bỗng chốc “rũ bùn đứng dậy sáng loà” để đảm nhận ngay vai trò chủ thể, vị thế trung tâm. Muốn vậy, người nông dân phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của “người làm chủ” - làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn.
Nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định, phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại, an phận, thu mình lại trong ngôi nhà, bờ ruộng, mảnh vườn. Cùng với đó, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Ngành nông nghiệp đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy thì, nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. “Trí thức hoá nông dân” là yêu cầu bắt buộc.
Như Sỹ, Ngọc Quý, Thu Hà, Hữu Duyên