Giảm nghèo bền vững: Thay đổi phương thức hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 có những thay đổi, bổ sung lớn nào so với giai đoạn trước? Tư duy, phương thức hỗ trợ người nghèo được điều chỉnh ra sao, cùng với đó những thách thức nào đặt ra?...
Chúng ta đang ở trong thời điểm có ý nghĩa quan trọng với công cuộc giảm nghèo khi Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được đưa vào triển khai và chuẩn nghèo đa chiều mới được đưa vào áp dụng. Việt Nam cũng vừa trải qua 3 năm đại dịch Covid-19, liên tục phải đối mặt, xử lý vô vàn diễn biến, tác động khó lường.
Vậy Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 có những thay đổi, bổ sung lớn nào so với giai đoạn 2016 - 2020? Tư duy, phương thức hỗ trợ người nghèo được điều chỉnh ra sao, cùng với đó những thách thức nào đặt ra? Trong giai đoạn mới, việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số có thể phát huy thế nào trong công tác giảm nghèo bền vững?...
Nhằm làm sáng tỏ các vấn đề trên, Báo VietNamNet tổ chức Tọa đàm “Giảm nghèo bền vững: Thay đổi phương thức hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ” với sự tham gia của hai vị khách mời:
- Ông Hoàng Xuân Lương - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc
- Ông Ngô Trường Thi - nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Mời quý độc giả theo dõi video Tọa đàm tại đây:
Chuẩn nghèo cao hơn để chúng ta tiếp tục phấn đấu, vươn tới
Nhà báo Diệu Bình: Thưa các khách mời, tính đến nay Việt Nam đã có bao nhiêu lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia? Điều chỉnh theo hướng nào? Mức độ tiệm cận với thế giới qua các lần điều chỉnh ra sao? Đâu là dấu mốc cho thấy sự chuyến biến mang tính bước ngoặt trong tư duy về giảm nghèo bền vững của Việt Nam?
Ông Ngô Trường Thi: Cách đây khoảng 20 năm các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank… hay sử dụng mô hình tháp giảm nghèo hình chóp. Theo đó, đỉnh chóp là vấn đề giải quyết nhu cầu thấp nhất của người nghèo đó là ăn, rồi đến nhu cầu thấp hơn nữa là ở, mặc, rồi mới đến đi lại, giáo dục, y tế, vệ sinh, tiếng nói người nghèo, quyền bảo vệ…
Cho đến nay Việt Nam đã có 8 lần ban hành và điều chỉnh chuẩn nghèo gồm: năm 1993 - 1996, 1998 - 2000, 2001 - 2005, 2006 - 2010, 2011 - 2015, 2016 – 2020 và đến giờ là 2021 – 2025.
Phải điều chỉnh chuẩn nghèo nhiều như vậy là vì nếu xác định chuẩn nghèo ở mức cao ngay từ đầu thì lúc đó chúng ta không đủ khả năng. Tỷ lệ nghèo đầu năm 1990 – 1993 của Việt Nam là 58%, nếu áp dụng mức cao thì 100% là nghèo.
Thứ 2, chúng ta đặt chuẩn nghèo phù hợp với khả năng giải quyết từng nhu cầu. Trước tiên giải quyết cái đói, khi bớt đói mới tính đến nhu cầu mặc, ở, đi lại… theo tháp tăng dần.
Mặt khác còn vì lý do là do trượt giá, nếu không điều chỉnh người nghèo sẽ bị thiệt. Đồng thời, để phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng phải nâng chuẩn nghèo lên để hỗ trợ người nghèo, tránh rơi vào mức sống cùng cực.
Tôi nhớ chuẩn nghèo đầu tiên năm 1993 được đo lường bằng gạo. Sau đó chúng ta có chỉ tiêu kép, vừa bằng tiền, vừa bằng gạo. Sau này, khi vấn đề đói đã giảm bớt, Việt Nam chuyển sang đo lường nghèo thu nhập bằng tiền tệ và bỏ chỉ tiêu về hiện vật.
Dấu ấn quan trọng nhất trong điều chỉnh chuẩn nghèo là bắt đầu từ năm 2015, chúng ta chuyển đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều trên cơ sở xác định mức độ thiếu hụt đồng thời vẫn đo lường bằng cả thu nhập.
Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 40 nước đang áp dụng phương pháp này. Về việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, chúng ta đã đi trước các nước trên thế giới trong việc ban hành cũng như điều chỉnh vào giai đoạn 2021- 2025. Đồng thời ta áp dụng luôn cả chính sách để giải quyết những vấn đề thiếu hụt cho người nghèo.
Ở các nước người ta chỉ dừng ở phương pháp luận, nghiên cứu đo lường nghèo đa chiều là gì? Nghiên cứu các chiều chỉ số, ngưỡng thiếu hụt thế nào?... Hoặc có một số quốc gia chỉ áp dụng ở một phạm vi rất nhỏ để thí điểm. Việt Nam lại khác, áp dụng diện rộng luôn, có những chính sách tác động đến, bù đắp mức độ thiếu hụt cho người nghèo.
Cần nói thêm, chính việc Việt Nam chuyển từ đo lường nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều năm 2015 cũng là một cơ sở để Liên Hiệp quốc đặt ra mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đó là tất cả các quốc gia phải dựa vào chỉ số đo lường nghèo của mình để đặt mục tiêu giảm nghèo theo đa chiều.
Có thể kết quả giảm nghèo vừa qua của Việt Nam chưa thực sự bền vững nhưng những thành tựu đạt được rất đáng ghi nhận và tự hào. Tuy nhiên, trong giảm nghèo, chúng ta luôn phải suy nghĩ, tìm hướng đi thích hợp, đừng nên ngủ quên trên thành tích, đừng đi theo đường mòn.
Từ kinh nghiệm đạt được trong quá khứ phải tìm cách đi mới cho phù hợp hơn. Chúng ta tiếp tục giải quyết phần chân tháp nghèo đói, vì phần ngọn tháp đã giải quyết xong rồi, giờ sẽ phải đi vào giải quyết các thiếu hụt xã hội cơ bản. Dần dần, đừng bắt người nghèo phải thụ động mà để họ được nói tiếng nói của mình, đảm bảo quyền được bảo vệ của họ.
Nhà báo Diệu Bình: Các vị khách mời đánh giá ra sao về mức độ phù hợp với thực tế, với điều kiện kinh tế - xã hội, mức sống tối thiểu của chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025? Chuẩn nghèo đa chiều được nâng lên có tác động đến phương thức hỗ trợ người nghèo không và tác động ra sao?
Ông Hoàng Xuân Lương: Từ năm 1993 đến nay Việt Nam đã có 8 lần thay đổi chuẩn nghèo theo hướng ngày càng nâng cao mức sống của người dân, từ thu nhập cho đến mức hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.
Lần điều chỉnh này điểm thay đổi rất rõ là về mặt thu nhập chúng ta nâng lên mức gần như tương đương mức Liên Hiệp quốc đưa ra. Đây là sự cố gắng rất lớn. Giai đoạn 20015 - 2020, mức thu nhập tối thiểu chỉ có 700 nghìn đồng ở vùng nông thôn, hiện nay là 1,5 triệu đồng, tức là hơn gấp đôi.
Khi chuẩn nghèo mới được công bố cũng có một số địa phương nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) rất lo lắng. Vì chuẩn nghèo cao như thế, tỷ lệ hộ nghèo tăng lên. Ngoài ra, các chỉ số về dịch vụ xã hội cơ bản cũng tăng cao hơn một chút so với giai đoạn trước.
Tuy nhiên, theo tôi tác động tích cực là cơ bản, hộ nghèo tăng lên theo chuẩn tương đương với thế giới như vậy rất là tốt, để chúng ta thấy còn phải phấn đấu, vươn tới.
Mặt khác, cũng không nên vì khó khăn của vùng DTTS mà hạ thấp tiêu chuẩn. Cũng giống như xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS, chúng tôi vẫn kiến nghị áp dụng đúng tiêu chí chung của quốc gia. Không nên có nhân nhượng, ưu đãi, vì đã là tiêu chí thì nhất định phải áp dụng chung, để vùng DTTS, người DTTS vươn lên, tiệm cận với các tiêu chí chung của cả nước.
Trước tiêu chí mới, các địa phương đang trong giai đoạn đánh giá, rà soát, thống kê, đưa ra chỉ số. Đây là giai đoạn yêu cầu tính trung thực, khách quan cao, đánh giá chính xác xem giai đoạn này tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam thế nào, trên cơ sở đó đưa ra hệ giải pháp.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn này có làm thay đổi phương thức hỗ trợ đối với người nghèo không? và có ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của người nghèo?
Ông Hoàng Xuân Lương: Thứ nhất, ngoài Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chính phủ còn ban hành Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Với bộ tiêu chí nghèo mới hộ nghèo, cận nghèo tăng lên, đương nhiên cũng mở rộng diện của các hộ gia đình vùng DTTS được hưởng chính sách.
Thứ hai, khi tiêu chí về mức độ hưởng thụ dịch vụ xã hội cơ bản cũng tăng lên, bộ máy sẽ phải tập trung vào những dịch vụ xã hội phục vụ cho vùng DTTS&MN – là vùng ưu tiên trong 3 chương trình MTQG và 21 chương trình mục tiêu đang quản lý ở các Bộ, ngành.
Thứ ba, người dân vùng DTTS cũng nhận thức được để vươn lên trong quá trình tiếp cận các dịch vụ xã hội. Tôi đơn cử, từ năm 2000 Việt Nam bỏ hẳn chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không. Bây giờ hướng của Việt Nam với người dân nghèo ở vùng DTTS là giúp đỡ, hướng dẫn họ các dịch vụ xã hội cơ bản để họ tự vươn lên vay vốn với lãi suất ưu đãi. Sau đó họ tự tổ chức sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, dần đứng vững trên đôi chân của mình.
Ông Ngô Trường Thi: Mức sống tối thiểu là một chỉ tiêu đo lường về thu nhập. Tại sao chuẩn nghèo trước đây thấp hơn mức sống tối thiểu? Thực ra không phải chúng tôi tính 700 nghìn mà là 1 triệu đồng. Nhưng do vấn đề cân đối ngân sách nên Bộ Tài Chính mới đề nghị giảm thấp đi. Người ta gọi đây là chuẩn nghèo chính sách, không phải mức sống tối thiểu.
Ngay cả mức mới 1,5 triệu đồng ở nông thôn cũng chưa phải là mức sống tối thiểu, vẫn còn thấp hơn. Tuy nhiên, chúng ta còn phải tính đến mức độ hài hòa, khả năng cân đối ngân sách.
Nước ta đã thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên. Do vậy việc điều chỉnh tăng mức sống tối thiểu là cần thiết, phù hợp và đặc biệt là đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho người nghèo. Để người nghèo chỉ sống mức tối thiểu mỗi ngày có 20 nghìn đồng là không ổn.
Mặt khác chuẩn nghèo điều chỉnh cao hơn, chất lượng hơn là việc hết sức bình thường. Trước đây chúng ta chưa làm là bởi lúc đó chưa làm được và rất nhiều yếu tố.
Việc điều chỉnh chuẩn nghèo chỉ là thước đo xác định hộ nghèo thôi, còn phương thức tác động không ảnh hưởng đến chuẩn nghèo. Thậm chí nhờ chuẩn nghèo tăng lên, chúng ta phải bám sát các chỉ số, các chiều thiếu hụt để có chính sách hỗ trợ, tác động phù hợp hơn.
Nhà báo Diệu Bình: Về cơ bản, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 có những thay đổi lớn nào so với giai đoạn trước, thưa các vị khách mời?
Ông Ngô Trường Thi: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (Chương trình) đến giờ tồn tại đã hơn 20 năm. Định hướng khung vẫn giữ, nhưng mục tiêu và giải pháp của Chương trình đã bám sát để giải quyết các chiều thiết hụt. Đặc biệt, chúng ta đã đưa ra chỉ số, chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể để giải quyết vấn đề thiếu hụt về việc làm, giáo dục, đào tạo nghề, dinh dưỡng, rồi nhà ở và nước sạch, vệ sinh và thông tin.
Chương trình mới có bổ sung các dự án về việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Trước đây hỗ trợ nghèo là một chính sách, còn dạy nghề, tạo việc làm nằm ở chương trình hỗ trợ có mục tiêu.
Cần lưu ý là trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước hiện nay đã có sự chuyển biến, đó là không hỗ trợ trên diện rộng mà tập trung vào các địa bàn khó khăn nhất, để không ai bị bỏ lại phía sau. Ta tập trung vào các huyện nghèo, những địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, ven biển và hải đảo, vùng dân tộc miền núi.
Chúng ta không bỏ địa bàn khác – những vùng phát triển hơn - nhưng dùng những chính sách chung để tác động, dùng giải pháp ngân sách địa phương. Nghĩa là cũng tác động nhưng bằng nguồn lực khác và bằng chính sách cụ thể của địa phương để đảm bảo giảm mức độ thiếu hụt ở các chiều, các chỉ số trong đo lường nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Có lãnh đạo Bộ LĐTBXH nhận định, trong giai đoạn mới, phương thức hỗ trợ người nghèo cũng thay đổi. Sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang tập trung hỗ trợ theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo thông qua việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp… Có thể hiểu điều này ra sao thưa các ông?
Ông Hoàng Xuân Lương: Cần phải hiểu thật đúng ý kiến của lãnh đạo Bộ LĐTBXH.
Về mặt lý luận chung, ở Việt Nam hiện nay hộ gia đình vẫn đang là thành phần của quan hệ sản xuất cơ bản, một thành phần kinh tế, nên không thể bỏ đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình được.
Tuy nhiên, bên cạnh đầu tư phát triển diện rộng, phát triển các hộ kinh tế gia đình, chúng ta cần phải quan tâm xây dựng các mô hình điểm. Các mô hình điểm đó cũng có thể là hợp tác xã, là hộ kinh tế gia đình có điều kiện phát triển... từ đó nhân rộng ra. Điều này còn có vai trò rất quan trọng là giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phát triển toàn diện các thành phần kinh tế. Riêng vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) khó khăn, kinh tế hộ gia đình vẫn là hướng đầu tư cơ bản, là thành phần kinh tế được ưu tiên. Tuy nhiên, tùy theo từng Chương trình MTQG, tùy theo từng chương trình có mục tiêu mà các Bộ, ngành đang quản lý… chúng ta cân nhắc việc định hướng đầu tư.
Ví dụ, mục tiêu quan trọng ở Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là hộ gia đình. Để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chương trình MTQG, hướng đi của Bộ LĐTBXH trong chương trình giảm nghèo hướng vào việc xây dựng các mô hình điểm.
Đó là hướng đi rất đúng của từng chương trình, nhưng cái chung nhất của cả nước là bao giờ cũng phải quan tâm cả hai góc cạnh, vừa quan tâm diện rộng thành phần kinh tế hộ gia đình, vừa tập trung vào mô hình điểm.
Ông Ngô Trường Thi: Trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2021 - 2025 có 2 dự án, một về hỗ trợ sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, thứ hai là dự án hỗ trợ sản xuất.
Việc xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng chúng tôi đã thực hiện lâu rồi, giai đoạn trước cũng có. Chẳng hạn mô hình hỗ trợ nuôi dê ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) chúng tôi đã làm từ trước, giờ đang được tiếp tục thực hiện.
Những mô hình này được thực hiện trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, ven biển, hải đảo. Đúng như anh Lương đã nói, để tránh trùng lặp ta không hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ dân trên địa bàn.
Với quan điểm hỗ trợ để thúc đẩy phát triển, không bình quân, tránh ỷ lại và đặc biệt là phù hợp với đặc thù của địa phương và mang bản sắc cộng đồng, cách thức là hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, cùng sở thích. Nhu cầu là do cộng đồng đề xuất và lựa chọn thành viên.
Nó khác hỗ trợ trực tiếp ở chỗ là có khoản vốn nhất định hỗ trợ cộng đồng, cộng đồng phải bình xét ai vào, ai chưa vào? Ai tự nguyện sẽ tham gia, ai chưa tự nguyện cứ đứng ngoài, không hề áp đặt, hoàn toàn do cộng đồng tự bình chọn.
Những thành viên tham gia phải tự nguyện đóng góp một phần kinh phí. Trước đây chúng ta quy định rõ 10%. Vấn đề không phải thiếu tiền mà là vì phải đóng góp người ta mới có trách nhiệm, cho không là không ổn.
Đặc biệt, chúng tôi đặt quan điểm phải đảm bảo công bằng. Khi được hỗ trợ, hết một chu kỳ anh phải luân chuyển một phần để người khác cùng hưởng. Như chương trình hỗ trợ dê ở Cẩm Thủy, chúng tôi yêu cầu hộ nuôi dê khi có thành quả phải luân chuyển cho hộ khác, để người ta thấy ý thức trách nhiệm cộng đồng và nhiều người khác cũng được hưởng lợi.
Đấy là cách thức về hỗ trợ cộng đồng, nếu thực hiện tốt sẽ bền vững hơn rất nhiều việc hỗ trợ xong là rời đi.
Kích thích năng lực tự vươn lên của người nghèo
Nhà báo Diệu Bình: Có quan điểm cho rằng những năm qua chúng ta đã có sự đổi mới tư duy trong chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, tăng cường đầu tư cho sinh kế là chính. Xin các khách mời đánh giá về quan điểm này cũng như chia sẻ một số thí dụ thực tiễn.
Ông Hoàng Xuân Lương: Tôi cho rằng quan điểm chuyển dịch trong nhiệm kỳ vừa qua là ta bỏ hẳn các chính sách cho không, và đi vào hướng khuyến khích người dân vươn lên vay vốn tín dụng chính sách, sau đó hướng dẫn họ về kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp để họ tự tổ chức sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Chỉ có như vậy mới kích thích được tính năng động, sáng tạo của người dân.
Đây là hướng đi quan trọng và thực tiễn đã chứng minh sự đúng đắn. Ví dụ, trước đây người dân ở vùng DTTS chỉ biết ngồi chờ để hưởng thụ chính sách nhà nước mang lại. Thậm chí có những thời kỳ hộ nghèo đi vay tiền về không biết làm gì, họ buộc lại cất đi, đến thời điểm thì mang trả lại.
Giờ người dân không được hưởng cho không toàn bộ như vậy nên họ biết tự tính toán kế hoạch thu, chi. Vùng DTTS đã xuất hiện hàng loạt mô hình kinh tế hộ từ Ninh Thuận, Bình Thuận chăn nuôi bò, dê thành đàn, rồi trên Tây Nguyên các mô hình trồng cà phê, dừa, chuối... Có những gia đình trồng bạt ngàn hàng chục hecta chuối xuất khẩu. Ở phía Bắc như tại tỉnh vùng cao Hà Giang có mô hình trồng chè, cam…
Ông Ngô Trường Thi: Sự thay đổi phương thức hỗ trợ là việc bình thường, xuất phát từ tình trạng đói nghèo. Đầu tiên khi đói phải lo hỗ trợ cái ăn trước. Lúc này họ cũng chưa có kiến thức, vẫn làm ăn theo tập quán cũ, nếu hỗ trợ sinh kế ngay sẽ thất bại.
Vì vậy, giai đoạn đầu cho không là cần thiết, cấp bách nhưng đến khi nhận thức người nghèo đã được nâng lên, có thêm kiến thức thì phải chuyển sang hình thức hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ cho vay để hạn chế tính ỉ lại và thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Giai đoạn này hỗ trợ không đơn thuần là trồng con gì, nuôi con gì mà còn phải chuyển đổi theo cách hướng dẫn người ta cách tiếp cận thị trường. Cung cấp cái thị trường cần thì mới hiệu quả và họ phải tham gia trong chuỗi giá trị mới thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nếu chỉ đơn lẻ, họ mãi quanh quẩn với con gà, con lợn, cây rau…
Nhà báo Diệu Bình: Trong chuẩn nghèo đa chiều mới, chiều tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản đã bổ sung thêm chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm. Trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững 2021 – 2025, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được đưa thành một dự án. Điều này cho thấy nhận thức gì về vai trò của đào tạo nghề, tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững, thưa các vị khách mời?
Ông Hoàng Xuân Lương: Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái nghèo xét về mặt nguồn gốc cơ bản vẫn là vấn đề nguồn nhân lực. Việc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 tập trung cao cho dạy nghề, tạo việc làm là hoàn toàn chính xác. Vấn đề ở vùng DTTS bây giờ không chỉ thiếu nghề mà còn thiếu đất sản xuất, do đó phải chuyển đổi nghề cho người dân để đảm bảo nguồn thu nhập cho họ.
Hiện Bộ LĐTBXH đã điều chỉnh các tiểu dự án riêng về đào tạo nghề theo hướng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của từng vùng. Đây là một chỉ đạo quan trọng. Mặc dù chúng ta rất quan tâm đến đồng bào DTTS nhưng dạy nghề vùng DTTS gặp rất nhiều khó khăn.
Có thể nói một số điểm, một số nơi, một số chương trình trong dạy nghề là chưa thành công. Tức là dạy xong, người DTTS chưa áp dụng được vào cuộc sống. Bởi vì nghề họ được đào tạo chưa phù hợp với xã đó, thôn đó. Do đó lần này chúng ta phải khảo sát thực tiễn đưa dạy nghề nào, nâng cao năng lực việc làm gì cho người dân...
Ngoài ra, một vấn đề nữa về giải quyết việc làm cũng quan trọng, các Chương trình MTQG phải quan tâm, đó là đề nghị Nhà nước nên có những chính sách hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp đang hoạt động ở vùng DTTS&MN, để họ giải quyết việc làm tại chỗ cho người DTTS.
Ông Ngô Trường Thi: Việc làm rất quan trọng, nó tạo ra nguồn thu nhập. Ngay khi xây dựng chuẩn nghèo đa chiều chúng tôi đã xây dựng chuẩn về chiều thiếu hụt việc làm. Nhưng hồi đó chưa tìm ra được chỉ số đo lường phù hợp và ngưỡng thiếu hụt việc làm như thế nào nên chúng tôi tạm thời bỏ ra ngoài. Đến khi xây dựng chuẩn nghèo cho giai đoạn 2021 – 2025, chúng tôi quyết tâm đưa vào.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2021 – 2025 có dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, gồm 3 tiểu dự án (trong đó tiểu dự án về xuất khẩu lao động đã có ở giai đoạn trước), đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, từng địa bàn phải giải quyết được mục tiêu thiếu hụt cho bao nhiêu người.
Tuy nhiên tác động của dự án này trong Chương trình chỉ trong phạm vi các huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo. Các vùng khác vẫn có những chính sách việc làm, dạy nghề chung. Ta phải dùng những chính sách đó để tác động đến những đối tượng địa bàn khác. Mặc dù mức hỗ trợ thấp hơn ở các địa bàn khó khăn nhưng ta vẫn có chính sách và đặc biệt các địa phương phải hết sức quan tâm. Đừng vì không được ưu tiên lại bỏ mặc, vì như vậy sẽ không hỗ trợ được việc làm cũng như đào tạo nghề cho người nghèo.
Công tác đào tạo nghề ở giai đoạn này đặt ra là phải có địa chỉ, có chỗ làm việc, chứ không phải cứ chỉ tiêu đào tạo được bao nhiêu, còn không quan tâm người lao động tìm được việc hay không. Nghĩa là phải thực chất, mỗi vùng có những nghề và cơ hội tìm việc làm riêng, chúng ta phải có những cách tổ chức sàn giao dịch việc làm cũng như lớp đào tạo nghề phù hợp đặc thù của từng địa phương.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa các vị khách mời, việc phát triển các hoạt động sinh kế tại chỗ nhằm phát huy lợi thế của địa phương (sử dụng kiến thức bản địa, sản phẩm bản địa, sản phẩm có tiềm năng phát triển) có tác dụng ra sao? Đến nay các địa phương đã phát huy tốt hay chưa?
Ông Ngô Trường Thi: Hỗ trợ sinh kế tại chỗ cho người nghèo là việc làm rất cần thiết, là giải pháp tốt để tạo thu nhập, tận dụng sức lao động để phát triển sản xuất. Vì không phải lao động nào cũng đi làm việc ở nơi khác được.
Tuy nhiên là làm gì, làm như thế nào phải do người dân đề xuất, chính quyền không thể làm thay. Vai trò của chính quyền rất cần thiết nhưng chỉ dừng ở mức hướng dẫn, hỗ trợ những thủ tục cần thiết để người dân, cộng đồng thực hiện theo quy định nhà nước; hỗ trợ hình thành các tổ nhóm, đóng vai trò “bà đỡ”...
Trước đây và bây giờ vẫn có quan điểm là phải hỗ trợ tiền cho người nghèo mới giải quyết được vấn đề. Theo tôi, tiền là quan trọng nhưng không phải tất cả. Nên hỗ trợ để người nghèo tự tin về năng lực của mình, dám nghĩ, dám làm. Liên kết hợp tác xã, sản xuất có hiệu quả bền vững hơn rất nhiều.
Có rất nhiều mô hình sinh kế chúng tôi đã hỗ trợ thành công và phát triển ở rất nhiều địa phương như Bắc Kạn, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Nông, Kon Tum, Lào Cai…
Ví dụ, ở Bắc Kạn khi chúng tôi tổ chức hoạt động hỗ trợ, ban đầu chỉ là tổ, nhóm nhưng sau này các ban, ngành phải vào cuộc để hỗ trợ người dân làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm… vừa hình thành tổ hợp tác. Đến giờ đã thành lập được Liên hiệp Hợp tác xã ở Bắc Kạn. Khi chúng tôi quay lại, mọi người trên đó cho biết giờ Liên hiệp oai lắm, thu nhập của hợp tác xã lên đến 8-10 tỷ/năm. Các sản phẩm của tổ nhóm ở Bắc Kạn đã có mặt ở các siêu thị, hội chợ.
Hay ở Sa Pa (Lào Cai), cô gái người H’Mông tên Thào Thị Sung là người thành lập tổ trồng cây lanh để dệt vải. Hồi tham gia cuộc thi của Bộ LĐTBXH, cô ấy còn run, không nói được. Sau này chúng tôi có chuyên gia hỗ trợ, giúp cô ấy hình thành được hợp tác xã. Giờ cô đi dạy cho những người khác, vùng khác, rồi còn lên mạng, dùng smartphone để liên hệ, tìm đầu ra…
Tôi còn ấn tượng ở Con Cuông (Nghệ An), có một phụ nữ dân tộc Thái tham gia một hội thi của chúng tôi và đạt giải 3. Sau hội chợ, chúng tôi cử người hỗ trợ chị. Sản phẩm đan lát mây, tre của chị giờ đã vào được khách sạn 4 sao, rồi còn xuất khẩu được sang Nhật và châu Âu.
Đây chính là phương thức hỗ trợ sinh kế, kích thích năng lực tự vươn lên của người nghèo với sự hỗ trợ của các ban, ngành và phải tin ở người dân, cộng đồng.
Trong mấy câu chuyện tôi vừa dẫn ra, những người phụ nữ, người cao tuổi không ra nơi khác làm mà tự tạo sinh kế trên mảnh đất họ sống. Họ vẫn tiếp cận được thị trường, tiếp cận nền tảng về công nghệ và biến nó thành công cụ phục vụ cho công việc, sinh kế. Ban đầu hầu như họ không biết sử dụng máy tính nhưng bây giờ nhiều người đã thành thạo...
Ông Hoàng Xuân Lương: Mỗi vùng đất có điều kiện đất đai, khí hậu khác nhau nên lại có những sản phẩm gắn liền với mảnh đất đó. Ta hay gọi là phát huy truyền thống bản địa. Vì thế chủ trương tạo sinh kế tại chỗ để phát huy những giá trị truyền thống đó là hoàn toàn đúng.
Thực tiễn đã chứng minh, thời gian qua, chúng ta quan tâm đến việc kết hợp giữa hiện đại với truyền thống. Từ đó các giá trị trong truyền thống của người DTTS được phát huy.
Chẳng hạn, người DTTS phải trải qua hàng ngàn đời mới tích lũy được bộ giống cây con hiện tại, chúng sống ở vùng đất đó là phù hợp nhất. Nếu ta biết phát huy, phát triển chúng, từ cây ngô, cây lúa cho đến con giống, con bò, con lợn... ở vùng người H’Mông, người Thái, người Khơ Mú... ngay tại địa bàn thì hiệu quả kinh tế sẽ rất tốt.
Rất mừng là thời gian qua những vùng DTTS đã xuất hiện những mô hình kinh tế kết hợp được cả yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố văn hóa du lịch. Chẳng hạn, mô hình của người H’Mông, người Thái hình thành lên những homestay, các nhóm về du lịch, kết nối được từ địa phương này sang địa phương khác, để tiêu thụ ngay những sản phẩm của người bản địa đó.
Vừa rồi tôi dự một hội thảo quốc tế do Nhật Bản và CHLB Đức tổ chức về phát huy giá trị sản phẩm truyền thống của dân tộc Thổ ở Việt Nam. Nhờ chủ trương của Đảng và Nhà nước phát huy những giá trị truyền thống sản phẩm cây, con bản địa, nên người dân tộc Thổ mới có những sản phẩm nổi tiếng như: sản phẩm dệt, bánh gai, trống đồng…
Những sản phẩm đó đi ra thế giới, người ta quan tâm thì mới tổ chức hội thảo quốc tế như vậy. Sau hội thảo, họ hình thành một hệ thống để tiêu thụ sản phẩm.
Tôi cho rằng cái khó nhất để phát triển các mô hình sinh kế tại các địa bàn vùng DTTS chính là tìm đầu ra. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích để tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm của đồng bào DTTS.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, năm nay là tròn 20 năm thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ông đánh giá sao về vai trò của vốn tín dụng chính sách trong hỗ trợ việc làm, sinh kế... nói riêng và với tiến trình giảm nghèo bền vững nói chung? Còn những hạn chế nào và làm sao để khắc phục?
Ông Ngô Trường Thi: Vốn tín dụng thực sự là cứu cánh đối với người nghèo và thực sự hiệu quả trong chương trình giảm nghèo của đất nước. Chúng ta đã có Chương trình MTQG giảm nghèo nhưng Chương trình tập trung cho địa bàn là chủ yếu, còn tác động đến cuộc sống người dân, đến sự phát triển sản xuất phải là tín dụng chính sách, như vậy mới có nguồn vốn đủ lớn hỗ trợ cho người nghèo.
Từ chỗ chỉ có chính sách cho vay đối với hộ nghèo, đến nay ngân hàng chính sách xã hội đã có hơn 20 chính sách tín dụng bao trùm các khía cạnh đời sống người nghèo như: cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, cho vay tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ nhà ở, nước sạch, cho vay vùng đặc biệt khó khăn…
Có 2 chỉ số chưa tác động đến là chiều thiếu hụt về y tế và thông tin. Nhưng y tế thì Nhà nước đã có BHYT toàn dân, nhóm đối tượng này được nhà nước hỗ trợ thì không cần ngân hàng chính sách xã hội. Về thông tin, theo quan điểm của tôi Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng, còn phương tiện thông tin người dân tự trang bị trên cơ sở sản phẩm sản xuất của mình.
Tuy nhiên, để hiệu quả, gọn gàng hơn, chính sách cần được thiết kế lại. Nghị quyết 76 của Quốc hội đã đề cập đến rồi, chúng ta phải gom lại, vì nhiều chính sách quá sẽ khó nhớ và dễ bị trùng lặp. Ví dụ chính sách cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, thực chất là như nhau, chỉ khác nhau về mặt lãi suất, đối tượng thì ta gom lại một chính sách. Như vậy, ta gom lại khoảng 5 -6 chính sách là được.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách cần gắn chặt hơn với hỗ trợ sản xuất và mô hình sinh kế, thay vì người cho vay cứ đi theo hướng cho vay, người sản xuất cứ theo kiểu của họ, không gắn được với nhau. Chẳng hạn trong nhiều mô hình chúng tôi triển khai, chúng tôi yêu cầu ngân sách nhà nước hỗ trợ 60%, tín dụng chính sách vào khoảng 30%, 10% còn lại là hộ dân. Cách làm đó sẽ hiệu quả và “ra tấm ra món”.
Ví dụ, nếu hỗ trợ để phát triển bò sinh sản, nên hỗ trợ từ 2 -3 con, sau này chúng sinh ra đàn bò khoảng 8 -10 con, chứ nếu chỉ hỗ trợ 1 con thì thực sự không có ý nghĩa. Tuy nhiên khi chúng tôi đi địa phương hỏi, mới thấy có mấy vấn đề, một là hết hạn mức cho vay, hai là một số người dân vẫn ỉ lại, chỉ muốn hỗ trợ cho không, không muốn vay.
Nhà báo Diệu Bình: Theo các ông, phương thức huy động vốn cũng như sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp... vào công tác giảm nghèo những năm qua có sự thay đổi, điều chỉnh theo hướng nào? Cần làm gì để đẩy mạnh?
Ông Hoàng Xuân Lương: Trong những năm qua, đối với phương thức huy động vốn hướng về vùng DTTS, vùng nghèo, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương nên phong trào hướng về người nghèo rất tốt.
Ngoài chủ trương của Nhà nước về chính sách vay vốn qua ngân hàng chính sách xã hội, tập trung nguồn lực của Nhà nước qua một loạt các chính sách ở các Chương trình MTQG… chúng ta còn vận động, phát động các doanh nghiệp, toàn dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội… đều có hoạt động hướng về người nghèo. Đây là những nguồn lực tập trung rất cao.
Bên cạnh đó, chúng ta còn huy động được những nguồn của các tổ chức quốc tế, kể cả tổ chức phi chính phủ giúp đồng bào nghèo ở Việt Nam. Về cơ bản, phương thức huy động vốn ở Việt Nam là tương đối đồng bộ và thực sự hướng về vùng đồng bào khó khăn, vùng DTTS.
Lựa chọn phương thức tuyên truyền, sản phẩm truyền thông phù hợp hơn
Nhà báo Diệu Bình: Xin khách mời điểm qua một số phong trào thi đua, các chương trình, dự án... liên quan đến tạo sinh kế bền vững, khuyến khích thoát nghèo, làm giàu chính đáng... mà ông cho là nổi bật, tạo hiệu quả thiết thực. Qua đó cho thấy muốn thành công cần có những yếu tố nền tảng nào?
Ông Ngô Trường Thi: Giai đoạn vừa qua chúng ta có phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; những hoạt động trong tháng cao điểm “vì người nghèo”; chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo... Đó chính là sự động viên, khích lệ đóng góp nguồn lực cho giảm nghèo.
Tuy nhiên, với tạo sinh kế, tôi nghĩ không thể tạo ra phong trào theo kiểu “trăm hoa đua nở”, sẽ rất nguy hiểm. Vì hỗ trợ sinh kế là một quá trình, phải phù hợp từng vùng địa phương, phải lựa chọn những sản phẩm, vật nuôi, cây trồng là thế mạnh địa phương để phát triển. Quan trọng nhất trong hỗ trợ sinh kế là chúng ta chỉ nên có khuyến khích người dân nâng cao tính tự lực, tự cường, thúc đẩy ý chí vươn lên của người nghèo để tổ chức sản xuất.
Nhà báo Diệu Bình: Trong giảm nghèo, để tạo ra sự chuyển biến về phương thức triển khai thì phải có sự chuyển biến về nhận thức của người nghèo, ý chí tự lực tự cường, sự chủ động, nỗ lực vươn lên thoát nghèo thay vì chỉ trông chờ vào các chính sách hỗ trợ. Các ông nhìn nhận sự thay đổi này trong thực tế diễn ra thế nào? Xin chia sẻ một vài thí dụ.
Ông Hoàng Xuân Lương: Khi từ bỏ hẳn chính sách cho không, chuyển sang các chính sách khuyến khích, đồng bào DTTS&MN đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của họ về giảm nghèo, phát triển kinh tế đã nâng lên, bắt đầu ý thức được trách nhiệm của chính bản thân và gia đình họ, phải phấn đấu sản xuất để vượt lên, xây dựng cuộc sống.
Thứ nhất, họ bắt đầu tiếp nhận chính sách và có kế hoạch sinh hoạt của gia đình, từ kế hoạch sản xuất đến kế hoạch chi tiêu. Thứ hai, họ đã biết liên kết giữa các gia đình với nhau, giữa nhóm này với nhóm khác, thậm chí liên kết trong phạm vi tỉnh, vùng với nhau. Thứ ba, họ nhận thức được là không những phải biết sản xuất mà phải biết tìm đầu ra.
Ông Ngô Trường Thi: Để giảm nghèo bền vững, phải xác định đặt người nghèo làm chủ thể. Sự hỗ trợ nguồn lực chính sách của Nhà nước, cộng đồng rất quan trọng nhưng chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là người nghèo phải quyết tâm vươn lên, không bằng lòng với hiện tại, không cam chịu đói nghèo, tiếp nhận sự hỗ trợ chủ động bằng ý chí của mình để vươn lên thoát nghèo.
Muốn vậy, chúng ta đừng đổ lỗi cho người nghèo nhiều quá, mà hãy nhận trách nhiệm của mình. Thiết kế chính sách phải hướng tới tạo động lực để khuyến khích người nghèo vươn lên, thay vì chính sách cho không.
Chúng ta hay nói người nghèo ỉ lại nhưng thực ra một lần cho họ cái cốc, hai lần cho họ cái cốc, lâu dần họ sẽ chán, họ cần cái khác ta lại cứ cho họ cái không cần. Phải xuất phát từ nhu cầu của người nghèo để hỗ trợ sẽ tốt hơn.
Nhà báo Diệu Bình: Làm thế nào để giúp người nghèo nâng cao nhận thức đó? Quá trình truyền thông, cung cấp thông tin đến người nghèo cần có những điều chỉnh gì cho phù hợp, để họ từ biết đến hiểu đến hành động?
Ông Hoàng Xuân Lương: Điều quan trọng hiện nay là trong công tác tuyên truyền, tổ chức cho đồng bào cần lựa chọn phương thức phù hợp hơn. Hiện chúng ta vẫn tuyên truyền qua hình thức truyền thông công cộng, truyền thông đại chúng, báo chí, trong đó chủ yếu là báo viết. Ở vùng DTTS việc tiếp cận thông tin đại chúng đó chưa được nhiều.
Vì vậy, cần lựa chọn những phương thức tốt hơn nữa để thông tin đến được với người dân. Ví dụ như tờ rơi, trang bị thiết bị hiện đại... Đặc biệt, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đến việc xây dựng các trạm tiếp sóng (sóng truyền hình, sóng truyền thanh, sóng Internet…) ở vùng DTTS, để đồng bào ở vùng sâu nhất vẫn có thể sử dụng điện thoại, smartphone, tiếp nhận được các chương trình phát sóng, các thông tin, tin nhắn của các Bộ, ngành, hội, nhóm...
Ông Ngô Trường Thi: Thay đổi nhận thức cho người nghèo phải là một quá trình, đừng bắt họ chuyển đổi nhanh quá, họ sẽ không tiếp nhận được. Từ việc thay đổi điều kiện sống, phù hợp xu thế chung cộng đồng, xã hội cho đến mặt bằng dân trí, tập quán, cách sống… trong đó vai trò của truyền thông rất quan trọng.
Các phương tiện nghe nhìn hiện nay rất tốt, chuyển tải nhiều thông tin đến người dân. Nhưng để gia tăng hiệu quả cần có những sản phẩm truyền thông phù hợp hơn.
Ví dụ, chúng tôi từng tổ chức những cuộc thi tuyên truyền về giảm nghèo ở cộng đồng qua các hình thức như kể chuyện, diễn kịch, hát… bà con rất hưởng ứng tham gia. Rồi những cuộc thi về trưởng bản làm công tác giảm nghèo, v.v... Từ đó tạo ra sinh khí rất lớn đối với công tác giảm nghèo.
Nâng cao năng lực truyền thông cần gắn với nâng cao nhận thức cho người nghèo, cho cộng đồng. Chúng tôi có kinh nghiệm tổ chức cuộc thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững” làm cùng UNDP vào năm 2016. Đã có hàng trăm tổ nhóm tham gia, với hơn 10 tổ nhóm vào chung kết. Đến giờ các tổ nhóm này vẫn rất phát triển. Sau đó chúng tôi triển khai xuống cấp tỉnh là Đắk Nông và Bắc Kạn.
Thông qua cuộc thi, người nghèo thấy tự tin hơn. Vòng thi đầu tiên họ run lắm nhưng đến vòng hai bắt đầu mạnh dạn, tự tin hơn. Ban đầu nhiều người không biết dùng máy tính, sau này đã biết sử dụng thành thạo, liên kết cộng đồng tốt hơn.
Qua cuộc thi họ nhận ra bản thân làm một mình không được. Như ở Bắc Kạn, người dân bảo có nhiều chuối, không ai mua, rụng hỏng hết. Tôi hỏi nếu người ta cần hai xe container chuối có cung cấp đủ không? làm sao có ở đấy? Muốn có được đủ phải liên kết, đó chính là liên kết cộng đồng, từ đó mới có được sản phẩm liên kết thị trường. Rồi khai thác được tiềm năng thế mạnh của sản phẩm bản địa, hình thành được các tổ nhóm hợp tác xã gắn với thị trường và đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0.
Thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Nhà báo Diệu Bình: Để giảm nghèo bền vững, không thể không thúc đẩy việc ứng dựng KH&CN, chuyển đổi số... Những khó khăn, thách thức đặt ra trong nhiệm vụ này, nhất là với đối tượng đồng bào vùng sâu vùng xa, DTTS&MN, thưa các vị khách mời? Làm sao để xử lý?
Ông Ngô Trường Thi: Ứng dụng KHCN, chuyển đổi số trong giảm nghèo là xu thế, các nước khác họ làm lâu rồi. Tôi sang Nam Phi hay Brazil họ đã áp dụng từ khoảng 20 năm việc hỗ trợ người nghèo bằng thẻ, mức hỗ trợ là 100 USD chẳng hạn, người nghèo có thẻ ra mua hàng phục vụ 3 nhu cầu: lương thực, giáo dục và y tế.
Đối với đồng bào DTTS&MN việc áp dụng như vậy rất khó khăn nhưng không phải không làm được. Để làm được phải có sự quyết tâm chính trị của địa phương nữa, lãnh đạo tỉnh mà quyết tâm, sản phẩm sẽ đến với thị trường nhanh hơn.
Ví dụ Bắc Kạn đã đưa được sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, điển hình là sàn Vỏ sò. Các tổ nhóm đã có app giới thiệu sản phẩm, ngồi một chỗ vẫn bán được sản phẩm. Phương tiện vận chuyển hàng hóa hiện nay cũng rất thuận tiện, ngay cả đặt sản phẩm từ những vùng như Ba Bể họ cũng chuyển đến cho mình được. Đấy là những yếu tổ thể hiện rõ về việc ứng dụng kỹ thuật số.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang thí điểm rà soát hộ nghèo bằng smartphone, người dân không cần phải khai trên giấy. Tôi nghĩ đây là việc làm rất cần thiết. Tôi được biết Bộ Thông tin và Truyền thông có chương trình hỗ trợ smartphone cho người nghèo, đó là cơ hội rất tốt để họ vươn lên tiếp cận kỹ thuật số, vươn lên thoát nghèo.
Câu chuyện xác định đối tượng thông qua phần mềm, qua điện thoại, đã được dự kiến, xây dựng từ trước khi tôi nghỉ chế độ. Chúng tôi cùng UNDP tiến hành năm 2019 nhưng rất tiếc, khi tôi nghỉ hưu vẫn chưa đưa vào áp dụng được.
Trước đây, Tổng cục thống kê điều tra mức sống và lao động việc làm phải mất hàng năm chưa có kết quả nhưng chỉ sau chưa đến 3 tháng ứng dụng phần mềm đã có kết quả.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta sử dụng phần mềm vào rà soát hộ nghèo, chậm nhất là 10 ngày đã có kết quả, để xác định đối tượng hộ nghèo. Như vậy, ta có cả một cơ sở dữ liệu để khai thác, không phải chờ nhập dữ liệu từ phiếu giấy, đợi cán bộ xử lý đúng/sai… Người nghèo chỉ đưa thông tin đầu vào, còn đầu ra là phần mềm xử lý.
Đối với đồng bào DTTS, tôi khẳng định ai dùng được smartphone đều làm được hết, các phần mềm khác phức tạp hơn còn làm được. Quan trọng chúng ta có quyết tâm hay không? Nhiều khi không phải người dân không muốn làm, họ sẵn sàng làm, nhưng chính cán bộ cơ sở ngại vì không muốn, vì khó khăn… Vì vậy, phải đả thông tư tưởng cho cán bộ.
Nếu triển khai được phần mềm rà soát hộ nghèo, có người hướng dẫn, giám sát, có công cụ để kiểm tra đúng sai…, chúng ta sẽ hạn chế được phản ảnh số liệu nghèo không chính xác ở địa phương.
Khi rà soát qua app, không ai tác động, điều chỉnh được, trừ một số người được phân quyền, có tên tuổi rõ ràng trên hệ thống. Như vậy sẽ đảm bảo được sự công khai, minh bạch và tính kịp thời trong điều hành quản lý.
Ông Hoàng Xuân Lương: Những năm qua, vai trò của khoa học công nghệ đối với vùng DTTS rất lớn. Tôi thấy rõ nhất là công nghệ sinh học đã phát huy tác dụng nhanh chóng vào vùng DTTS, giúp giá trị của cây, con tăng lên rất nhiều.
Như giống cam truyền thống của đồng bào DTTS, 1 ha chỉ thu nhập được 10 - 20 triệu/năm. Tuy nhiên, khi ứng dụng các công nghệ sinh học, 1 ha cam ở Bắc Kạn, Hà Giang thu được hàng trăm triệu/năm, thậm chí có những nơi thu được 300 triệu.
Nhu cầu, nguyện vọng của người dân được ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế là rất lớn. Vấn đề là chúng ta có nhân rộng các mô hình ứng dụng KHCN cho người dân hay không.
Về vấn đề chuyển đổi số, như ý kiến của anh Ngô Trường Thi, tôi thấy ở tầm quốc gia, chúng ta phải làm thế nào xây dựng được những bộ cơ sở dữ liệu để quản lý chương trình.
Chẳng hạn, làm thế nào để ngồi tại Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo ở Hà Nội, chỉ cần thao tác trên máy là có thể nắm được xã nào, huyện nào… có bao nhiêu hộ nghèo, mức độ nghèo… tất cả thông tin tập trung một chỗ. Hiện chúng ta chưa xây dựng được bộ dữ liệu đó.
Tôi rất mừng là Bộ TTTT đang có chủ trương mở rộng và cấp smartphone cho vùng DTTS, cho người nghèo. Mở rộng được việc sử dụng smartphone, tăng cường các điểm tiếp sóng ở vùng DTTS, sẽ giúp cho người dân ngồi tại chỗ cũng có thể sử dụng được các app về hàng hóa, về nhu cầu tiêu thụ, đầu ra, cũng như hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày của họ. Khi chúng ta làm tốt được việc này sẽ góp phần làm cho nhận thức, năng lực của người DTTS được nâng lên.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, ông từng tham gia xây dựng nhiều những mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương. Xin ông chia sẻ một số câu chuyện cụ thể về việc ứng dụng KHCN và hiệu quả?
Ông Ngô Trường Thi: Việc ứng dụng KHCN vào chăn nuôi, trồng trọt liên quan đến trang trại quy mô lớn, do đó đối với người nghèo thì chưa làm được. Đối với áp dụng KHCN và công nghệ số, cái chúng tôi đang hỗ trợ người nghèo là tiếp cận thị trường. Họ phải hiểu sản phẩm của mình có lợi thế gì mà người khác không có và làm thế nào để chúng đến được tay người mua.
Từ chỗ nhiều người không biết dùng máy tính xách tay, chúng tôi hỗ trợ một số máy cũ, thậm chí vận động anh em cán bộ ai có máy cũ thì tặng lại. Một thời gian sau, chúng tôi quay lại địa phương được tặng máy, thấy người dân lên mạng, vào mạng xã hội thành thạo. Đó là nền tảng, đầu tiên anh phải biết sử dụng máy tính, rồi áp dụng cho công việc.
Trong tổ chức hỗ trợ, chúng tôi mời các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ thương mại đến để giới thiệu, hướng dẫn cách dùng. Như sàn Vỏ sò, người ta lên tận nơi tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào về cách sử dụng, lợi ích. Sau thời gian ngắn các sản phẩm của người dân đã có mặt trên gian hàng Vỏ sò. Sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, nhanh hơn, đồng bào không cần đi đâu vẫn bán được hàng và thu được tiền.
Một vấn đề nữa là sản phẩm muốn vào được siêu thị, các hội chợ quy mô lớn không phải dễ nhưng phải tìm cách thông qua phương tiện truyền thông, kỹ thuật số để tiếp cận.
Nhà báo Diệu Bình: Có quan điểm cho rằng ngay cả bộ máy, cách thức tổ chức, quản lý giảm nghèo cũng cần được hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng KHCN; đội ngũ cán bộ giảm nghèo cũng cần được đào tạo, nâng cao kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Nhìn nhận của các vị khách mời ra sao?
Ông Ngô Trường Thi: Muốn người nghèo tiếp cận được công nghệ số, cán bộ giảm nghèo phải tiếp cận trước, để hướng dẫn người nghèo. Nhiều năm qua, chúng tôi đã chủ trương phải đẩy mạnh sử dụng công nghệ trong công việc như hòm thư điện tử, mạng xã hội, trang web về giảm nghèo… để điều hành.
Trong công tác quản lý, tôi nghĩ người quản lý không nhất thiết giỏi công nghệ thông tin nhưng phải biết đặt hàng cho người làm công nghệ để họ thực hiện: cái gì cần thiết, mong muốn ra sao, quản lý ra sao... Quan trọng là phải có ý kiến và tiếp thu những đóng góp, trao đổi để phần mềm đó hiệu quả, chạy tốt, có thử nghiệm để lấy ý kiến thực tiễn, sau đó mới chuyển giao, tập huấn, áp dụng trong quản lý.
Việc ứng dụng công nghệ số trong giảm nghèo nói riêng và trong lĩnh vực khác của đất nước nói chung cực kỳ cần thiết. Ví dụ, nếu phần mềm rà soát hộ nghèo được ứng dụng từ sớm thì trong đại dịch Covid-19, chúng ta không phải vất vả trong việc rà soát, xác định đối tượng cần hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, trong và sau đại dịch Covid-19 người nghèo càng đứng trước nguy cơ nghèo thêm hoặc tái nghèo. Ông đánh giá thế nào về các chương trình, chính sách hỗ trợ mang tính khẩn cấp, tức thời của chúng ta, trên phương diện chính sách cũng như triển khai? Mặt khác ảnh hưởng của đại dịch có thể tác động ra sao đến tiến trình giảm nghèo cũng như thay đổi phương thức giảm nghèo?
Ông Hoàng Xuân Lương: Đại dịch Covid-19 qua nhiều giai đoạn đã tác động sâu sắc đến người nghèo, đến Chương trình MTQG giảm nghèo trên phạm vi cả nước, đến người lao động. Một là hại đến sức khỏe, hai là giảm bớt việc làm, ba là giảm thu nhập.
Tất cả những tác động đó làm cho cái nghèo của Việt Nam tăng lên. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người về hưu hưởng lương.
Tôi đánh giá rất cao tính nhân văn, nhân ái của người Việt Nam. Đồng bào Việt Nam dù khó khăn như thế nhưng trước đại dịch luôn cưu mang, đùm bọc lẫn nhau. Người dân từ vùng dịch bệnh trở về quê đều được nhân dân các địa bàn đón tiếp, tổ chức sinh hoạt, hỗ trợ nhau.
Trong tình hình biến đổi khí hậu phức tạp hiện tại, có thể sau đại dịch Covid-19 sẽ còn xuất hiện những đại dịch khác. Nhưng tôi tin rằng với chính sách nhân đạo của Việt Nam và với truyền thống quyết tâm, đồng lòng của người Việt, chúng ta vẫn sẽ đủ sức để vượt qua, để xây dựng cuộc sống ổn định.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa các vị khách mời, tương lai chúng ta còn phải tiếp tục điều chỉnh phương thức hỗ trợ người nghèo sao cho phù hợp với thực tế?
Ông Ngô Trường Thi: Theo tôi, kể cả sau này Việt Nam có điều chỉnh chuẩn nghèo, thay đổi phương thức giảm nghèo… thì người nghèo vẫn sẽ khu trú ở một số địa bàn tập trung, vùng khó khăn nhất. Còn chuyện nghèo, lúc nào cũng có.
Đối với giảm nghèo, chúng ta đã triển khai hơn 20 năm, sắp tới, trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng sẽ có sự thay đổi. Đó là tập trung vào một số địa bàn khó khăn nhất, nhóm dân cư khó khăn nhất, để hỗ trợ họ vươn lên, không bị tụt lại phía sau.
Những đối tượng khác chúng ta sẽ sử dụng các chính sách thông thường, chính sách chung… Đặc biệt, cần triệt để phân cấp, trao quyền thực sự cho địa phương, cho cơ sở, cộng đồng, để hỗ trợ giảm nghèo theo hướng phát triển.
Tôi nghĩ, chúng ta sẽ phải giảm dần những Chương trình MTQG, thực hiện Luật đầu tư công, phân bổ vào địa phương, Trung ương chỉ quản lý mục tiêu. Tất nhiên, vẫn có những chương trình đặc thù phải giữ lại.
Ông Hoàng Xuân Lương: Tôi đồng tình với quan điểm của ông Ngô Trường Thi. Bây giờ vùng DTTS&MN cần có những chính sách đặc thù, nên Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia riêng. Thế nhưng, bản thân trong chương trình đó dần dần cũng phải giảm các mục tiêu để tập trung cho những vấn đề cơ bản.
Tôi đơn cử, khi đã giải quyết vấn đề cơ bản về nghèo ở vùng DTTS, hạ tầng đã đáp ứng được, kết nối đồng bộ với đất nước, lúc đó chính sách dân tộc chỉ đi vào giải quyết một số khía cạnh, nhu cầu độc đáo của tộc người chứ không đi vào những vấn đề toàn diện như bây giờ, ngốn một nguồn ngân sách rất lớn.
Vì vậy, dần dần các chính sách của ta phải giải quyết vấn đề khó nhất, địa bàn khó nhất, vùng DTTS khó nhất, để những khu vực, địa bàn đó hòa nhập chung với đất nước. Còn chúng ta vẫn tập trung cho các chương trình quốc gia, các chương trình chung của đất nước.
Thưa quý vị độc giả, buổi tọa đàm đến đây xin được kết thúc. Xin cảm ơn hai vị khách mời đã dành thời gian tham dự. Xin hẹn gặp lại quý vị khách mời và quý độc giả trong các chương trình sau của Báo VietNamNet.
Trần Kiên, Thanh Bình, Duy Tiến, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Thảo, Quang Thậm và nhóm PV