Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang được biết tới là một trong những cái nôi văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong số đó, người dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 92% dân số trên địa bàn huyện.

Trong suốt hành trình trưởng thành và phát triển, mỗi dân tộc đều lưu giữa những giá trị văn hóa truyền thống riêng, mang đậm dấu ấn trong mỗi thời kỳ lịch sử.  

Trong những năm qua, chính quyền huyện Quang Bình luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Theo đó, những lễ hội văn hóa dân gian, nghề thủ công truyền thống, phong tục cổ truyền, độc đáo,... của đồng bào các dân tộc thiểu số, như Mông, Dao, Tày,... đều được quan tâm bảo tồn và gìn giữ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, ở một số thôn, bản còn tồn tại những phong tục, tập quán lạc hậu, có tác không nhỏ đến cuộc sống và kinh tế của các hộ gia đình, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa nơi kinh tế vẫn còn nghèo nàn, khó khăn.

Những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mê tín dị đoan, uống rượu nhiều, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm trong đám cưới, đám tang, lễ hội không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, hoạt động sản xuất và sự phát triển giống nòi.

Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh, phát huy những nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, huyện Quang Bình đã nỗ lực để xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh với mục tiêu tới năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn các hủ tục trên địa bàn tỉnh Hà GIang nói chung và huyện Quang Bình nói riêng.

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 09 và 1 năm thực hiện Nghị quyết số 27, huyện đã triển khai hơn 400 cuộc tuyên truyền và hội nghị bàn về việc xoá bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu trên địa bàn. Hơn 40 mô hình của các cấp hội, đoàn thể, xã, thị trấn về xóa bỏ hủ tục lạc hậu đã được áp dụng,

Huyện cũng đã cho ra mắt 36 Câu lạc bộ về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Điều này cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân trong công cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những tập tục lạc hậu trong các thủ tục ma chay, cưới hỏi, từ đó hướng tới xây dựng cuộc sống văn minh.

Với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gần đây, công tác vận động, tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu của huyện Quang Bình đạt được những kết quả tích cực.

Hầu hết các hộ gia đình đã thực hiện việc tổ chức đám cưới, lễ hỏi với nghi thức đơn giản, tiết kiệm, đúng luật... Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục lệ thách cưới cao, tổ chức đám cưới kéo dài, giết mổ nhiều trâu, bò, ăn uống linh đình gây tốn kém, lãng phí được xóa bỏ hoàn toàn tại một số khu vực trên địa bàn huyện, đơn cử như thị trấn Yên Bình, xã như Xuân Giang, Xuân Minh, Vĩ Thượng…

Bên cạnh việc đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, phong trào vận động xóa bỏ các hủ tục lạc hậu cũng đề cao sự đoàn kết, đồng thuận, vai trò của các tổ chức hội, người già, người có uy tín tại các thôn, bản, khu dân cư.

Ngoài ra, cũng chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để có thể dễ dàng tiếp cận, truyền tải những thông điệp liên quan tới xóa bỏ hủ tục lạc hậu tới với mọi tầng lớp nhân dân, đơn cử như Hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn huyện Quang Bình năm 2023 đã được đông đảo người dân, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng.