Giải pháp giảm nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số
Tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc giảm nghèo thông tin, hỗ trợ người dân tiếp cận Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn nhiều khó khăn.
Dịch vụ thông tin là một trong 6 dịch vụ xã hội cơ bản làm tiêu chí đo lường mức độ thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2022, lượng người dùng Internet ở Việt Nam khoảng 70 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; hạ tầng băng rộng đã phủ sóng 99,73% số thôn trên toàn quốc; 19,79 triệu hộ gia đình có cáp quang, đạt 72,4%. Hệ thống cáp quang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn, 91% thôn, bản.
Những số liệu thống kê cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông đến người dân. Tuy nhiên, tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc hỗ trợ người dân tiếp cận Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng dịch vụ Internet nhiều nơi còn rất thấp, như khu vực dân tộc La Hủ, Chứt, Mảng...
Đối tượng nghèo đang diễn biến theo hướng tập trung vào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như: Ơ Đu, Co, Khơ Mú, Xinh Mun, La Ha, Kháng, Mông, Xơ Đăng… Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang ngày càng tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước.
Để làm rõ vấn đề này, Báo VietNamNet tổ chức Tọa đàm “Bàn giải pháp giảm nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số” với sự tham gia của 2 vị khách mời.
Ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc.
Bà Đỗ Thanh Huyền, Chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).
Mời quý độc giả theo dõi video:
Những thách thức trong giảm nghèo thông tin
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Đinh Xuân Thắng, xin ông cho biết khái quát chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025?
Ông Đinh Xuân Thắng: Trước khi nói về giảm nghèo bền vững, chúng ta phải xác định đối tượng. Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vùng nghèo nhất trong các địa bàn.
Hiện cả nước có 14,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số của cả nước. Tất cả các văn bản của Nhà nước đều ghi là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bởi hiện chỉ còn 3 dân tộc đang sống ở vùng đồng bằng là dân tộc Hoa, Khmer và một phần dân tộc Chăm. Còn lại tất cả các dân tộc khác đều sống ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của tiêu chí đo lường nghèo đa chiều (gồm việc làm, y tế, nước sinh hoạt, giáo dục, nhà ở, thông tin). Đây là vùng lõi nghèo của cả nước.
Từ năm 2016, Đảng và Nhà nước ta đã xác định nghèo đa chiều, trong đó có nghèo về thông tin. Giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa nghèo thông tin vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đến năm 2021, nghèo thông tin tiếp tục được đưa vào giai đoạn 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều đó cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với các vùng, địa bàn hiện thiếu hụt về thông tin và cách tiếp cận thông tin của đồng bào các dân tộc, trong đó đặc biệt là các dân tộc thiểu số.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Đỗ Thanh Huyền, kết quả thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn vừa qua đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng bộc lộ những bất cập. Phải chăng, đây là lý do mà giảm nghèo thông tin được đặt riêng thành một hợp phần, một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hiện nay?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi đồng ý với nhận đinh như vậy vì trên thực tế, nghèo thông tin là 1 trong 6 chiều cạnh của chuẩn nghèo đa chiều. Thông tin rất quan trọng cho bất kỳ ai. Thông tin sẽ dẫn tới cơ hội, việc làm, cách tiếp cận về dịch vụ công.
Ở đây, tôi muốn nói về quan hệ giữa công dân và chính quyền, tập trung vào vấn đề chính quyền địa phương có trách nhiệm, nghĩa vụ chia sẻ thông tin cho mọi người dân được biết. Tuy nhiên, thực tế có sự khác biệt về điều kiện tiếp cận thông tin của nhóm đồng bào dân tộc thiểu số so với nhóm đồng bào dân tộc đa số như người Kinh.
Kể từ năm 2009 đến nay, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc đã và đang thực hiện Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh, đo lường 8 chiều cạnh. Một trong những chiều cạnh rất quan trọng là sự minh bạch thông tin để mọi người dân được biết. Trong đó có minh bạch thông tin về chính sách xóa đói giảm nghèo, đất đai, thu chí ngân sách cấp xã, gần đây nhất là điều kiện tiếp cận thông tin của mọi người.
Điều thấy được qua 14 năm thực hiện khảo sát là đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số luôn luôn bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận thông tin. Một trong những vấn đề căn bản nhất đó là rào cản về mặt ngôn ngữ, rào cản về phương tiện tiếp cận thông tin.
Hiện nay, chúng ta nói Internet phủ sóng được 70 triệu người, hay việc tiếp cận với các đường điện, điện thoại. Tuy nhiên, trong chuyến công tác Hà Giang gần đây, tôi thấy có một xã mới chỉ tiếp cận với điện hơn một năm nay. Ở đó, vùng lõm Internet còn khoảng 60 thôn, bản (không có Internet).
Ngay cả những nơi có Internet, có điện thoại nhưng không phải nhà cung cấp dịch vụ nào cũng đến được với họ. Ví dụ, người dùng mạng Viettel có thể sử dụng được nhưng người dùng Vinaphone thì không sử dụng được…
Việc bất cân xứng trong vấn đề cung cấp thông tin tạo ra bất cân xứng trong cả việc cung cấp thông tin của pcơ quan chính quyền địa phương ở những nơi lõm sóng hoặc chưa có điều kiện tiếp cận, cung ứng, chưa có trạm BTS để đưa đến điều kiện tiếp cận thông tin tốt hơn.
Hoặc là từ phía công dân (đồng bào dân tộc thiểu số) muốn vào dịch vụ công điện tử, muốn tìm hiểu thông tin về chính sách pháp luật cũng rất là khó, ngoại trừ đài phát thanh. Nếu đến khu vực miền núi phía Bắc, chỉ lên khoảng 50 km là đài nước bạn đã chiếm sóng đài của ta.
Vì vậy, việc chia sẻ thông tin vẫn còn nhiều thách thức. Đó là một trong những khía cạnh cần phải quan tâm nhiều hơn nữa.
Nhà báo Diệu Bình: Từ những thành tựu đã đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua, ông Đinh Xuân Thắng đánh giá thế nào sự tác động của thông tin đến việc thay đổi nhận thức, thúc đẩy người dân tự lực vươn lên thoát nghèo?
Ông Đinh Xuân Thắng: Chúng ta đang sống trong thời đại số, thời đại bùng nổ về thông tin. Nói về sự phát triển của đất nước, giả sử một ngày thiếu thông tin thì đất nước không thể phát triển được, chưa nói đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Trong những năm qua, sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích có tác động rất lớn, các đơn vị viễn thông triển khai hạ tầng công nghệ đến vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, giải quyết được rất nhiều vấn đề ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là chuyển đổi số trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm.
Gần đây, tôi xem trên VTV2 nói về một bạn ở Lạng Sơn khởi nghiệp. Khi chưa chuyển đổi số, chưa ứng dụng công nghệ thông tin thỉ chỉ có chưa đến 10 hộ tham gia chuỗi giá trị trồng quế xuất khẩu. Sau khi bạn này ứng dụng công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật trồng quế sạch hữu cơ và làm tốt công tác truyền thông, đến nay, ước tính có khoảng hơn 30 nghìn hộ tham gia chuỗi giá trị này.
Đó chỉ là một ví dụ cho thấy, thông tin, công nghệ thông tin rất có lợi ích, tác động rất mạnh đến đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Đỗ Thanh Huyền, xin bà cho biết về thực trạng tiếp cận thông tin tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay? Những hạn chế nổi bật trong việc tiếp cận thông tin của đồng bào khu vực này là gì?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi chia sẻ thêm những phát hiện, nghiên cứu về Chỉ số hiệu quản quản trị hành chính công cấp tỉnh.
Khi nhìn vào bản đồ về chiều cạnh liên quan tới minh bạch thông tin của chính quyền địa phương, của Nhà nước đối với công dân, tất cả những tỉnh - nơi có đồng bào dân tộc thiểu số đều bị điểm thấp hơn hẳn so với các tỉnh, khu vực khác, đặc biệt là khu vực Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên.
Chẳng hạn, việc tiếp cận những thông tin rất căn bản như: Tôi có thuộc hộ nghèo không? Tôi có biết được những chính sách hiện thời về mặt thu chi cho nhóm cộng đồng của tôi như thế nào? Hay việc quy hoạch đất đai có ảnh hưởng đến hộ gia đình của tôi không? Tôi có phải di chuyển đến địa bàn khác để làm ăn sinh sống khi có công trình thủy điện hay công trình nào đó gây tác động tới cộng đồng hay không? Một thông tin đó, người dân không biết sẽ không chuẩn bị được cho chính họ những tâm thế để dịch chuyển hay thay đổi, như ông Đinh Xuân Thắng vừa đề cập.
Đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp có thể biết được tại địa bàn họ có những điều kiện khả thi như thế nào? Để phát triển kinh tế, họ sẽ đưa thông tin đến cho bà con, ngay lập tức bà con tiếp cận được những thông tin và tận dụng nó.
Tuy nhiên, cũng có những người không được biết vì rào cản ngôn ngữ. Ví dụ, nói đến dịch vụ công trực tuyến cũng là một trong những khoảng cách số giữa người Kinh và người đồng bào dân tộc thiểu số do điều kiện ngôn ngữ, điều kiện kinh tế hộ gia đình, do việc thiếu các cơ sở hạ tầng đưa dịch vụ viễn thông về cho bà con.
Nói tới việc làm giấy khai sinh, khai tử hay các giấy tờ tùy thân cho bà con, các UBND xã, phường bị ép tiến độ thực hiện với các chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 đạt 100% số hóa, làm trên môi trường điện tử. Vô hình trung, chính quyền cấp xã yêu cầu bà con phải bắt kịp miền xuôi, thế nhưng, họ không có điện thoại thông minh.
Khi về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, có những nơi như huyện Xín Mần, Bắc Quang, 30% - 40% bà con chưa có điện thoại thông minh. Ngay cả việc cài VNeID cũng là thách thức vô cùng to lớn, chưa nói tới việc họ có thể tiếp cận được Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia hay Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.
Vì vậy, khoảng cách về số, thông tin là rào cản vô cùng to lớn để bà con đọc được những văn bản Nhà nước ban hành, từ đó hiểu được quyền và nghĩa vụ cần thực hiện. Thiết bị, công cụ để tìm hiểu thông tin không có, chính quyền địa phương lại theo sức ép thi đua, lại yêu cầu bà con tự làm, nếu không công chức làm hộ, dẫn tới bà con không thể theo kịp được.
Chúng ta vẫn nói, miền núi cần tiến kịp miền xuôi nhưng trên thực tế là chúng ta không tạo ra điều kiện khả thi để họ tiến kịp, ít nhất là trong một khía cạnh giao dịch giữa Nhà nước và công dân, thực hiện nghĩa vụ là giấy khai sinh để cho con được ghi nhận, được đến trường. Việc đó đã rất là khó trong tiến trình thông tin hóa, điện tử hóa thông tin như hiện nay.
Ông Đinh Xuân Thắng: Tôi rất chia sẻ với chị Huyền đã có thực tiễn khảo sát, công tác ở Bắc Quang. Tuy nhiên, tôi xin bổ sung thêm, Bắc Quang vẫn chưa phải là địa bàn khó khăn. Khi nhắc đến Hà Giang, khó khăn phải nhắc đến Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
Hiện nay, chúng ta có 6 dân tộc dân số trên 1 triệu người là Tày, Thái, Mường, H’Mông, Khmer và Nùng. Trong 6 dân tộc này, đồng bào H’Mông là gặp khó khăn nhất.
Tỷ lệ tảo hôn của người H’Mông gần 50%, cứ 2 đôi là 1 đôi tảo hôn vì họ thiếu thông tin tuyên truyền, hướng dẫn. Đặc biệt, bà con tiếp cận dịch vụ công vô cùng khó khăn, dẫn đến áp lực đối với cán bộ xã. Áp lực về chỉ tiêu, áp lực về thành tích, áp lực từ nhiều vấn đề… dẫn đến người làm áp lực, người dân khi tiếp cận cũng không hiểu gì, không nắm được các thông tin mình cần phải tiếp cận với chính quyền.
Chúng ta có 14 dân tộc rất ít người có khó khăn đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm dân tộc Pà Thẻn, Chứt, Lự, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Ngái, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Ơ Đu, Brâu. Trong nhóm này, tổng cộng có 54 nghìn người nhưng khó khăn nhất.
Hiện nay, một số dân tộc có 50% không biết viết, không đọc thông viết thạo tiếng Việt là Mảng và Ơ Đu. Các dân tộc khác, tôi cam đoan khảo sát của chúng ta chưa chính xác, số liệu thực tế có khi cao hơn nhiều. Điều đó cho thấy, việc tiếp cận công nghệ thông tin, chuyển đổi số rất khó khăn.
Ngoài ra, còn liên quan đến thiết bị đầu cuối. Hiện chúng ta đã đầu tư, phát triển hạ tầng đến tận thôn, bản nhưng thiết bị đâu mà kết nối. Kết nối xong họ dùng cái gì? Giả sử trao vào tay 1 hộ dân 1 cái điện thoại thông minh, rồi họ lại tiếp cận với mạng xã hội xem những thông tin không chính thống… Làm sao để đồng bào tiếp cận được thông tin chính thống, tiếp cận thông tin như thế nào mới là quan trọng.
Vai trò của dịch vụ viễn thông cơ bản
Nhà báo Diệu Bình: Các dịch vụ viễn thông cơ bản như Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh… đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống. Với vùng dân tộc thiểu số, vai trò của các dịch vụ viễn thông cơ bản đối với công tác giảm nghèo thông tin được thể hiện ở những mặt nào? Xin hai vị khách mời chia sẻ một số câu chuyện cụ thể.
Ông Đinh Xuân Thắng: Hiện nay, việc chuyển đổi số ở vùng phát triển, vùng đô thị rất dễ nhưng ở vùng sâu, vùng xa là một giấc mơ của đồng bào, thậm chí họ còn không nghĩ đến. Hàng ngày, họ lên nương làm rẫy hoặc kiếm miếng ăn… thời gian đâu mà có điện thoại thông minh.
Tôi nghĩ rằng, việc phát triển hạ tầng đến tận thôn, bản là tốt nhưng phải lựa chọn đúng đối tượng để cấp thiết bị. Đối tượng này có sức lan tỏa thì sự hỗ trợ mới có giá trị. Quan điểm của tôi không phải cấp cho hộ nghèo mà là cấp cho đúng đối tượng.
Ví dụ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng bản. Ta cấp cho họ, hướng dẫn cách sử dụng, tiếp cận thông tin và họ chịu trách nhiệm lan tỏa thông tin đó tới người dân trên địa bàn. Chúng ta không hỗ trợ dàn trải sẽ vướng mắc nhiều thứ và tốn kém.
Hiện nay, việc các doanh nghiệp viễn thông triển khai phát triển hạ tầng như vũ bão, đặc biệt là sử dụng dịch vụ viễn thông công ích về Internet, về hạ tầng số xuống cơ sở rất là tốt.
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi đồng ý với ý kiến của ông Đinh Xuân Thắng. Có những việc chúng ta đã và đang cố gắng làm, ví dụ như các tổ chuyển đổi số cộng đồng ở địa phương là một trong những sáng kiến. Tuy nhiên, làm thế nào để phát huy vai trò của họ trong quá trình hỗ trợ bà con ở địa bàn lại là câu chuyện khác.
Trong một năm qua, chúng tôi thực hiện thí điểm hỗ trợ cho các tổ chuyển đổi số cộng đồng, giúp đưa dịch vụ công điện tử đến với bà con ở 2 huyện Bắc Quang và Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Chúng tôi thấy là thực sự họ rất cần kỹ năng thực hiện, bản thân họ thực hiện trước. Về cơ cấu của tổ chuyển đổi số cộng đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã đề xuất triển khai trên phạm vi toàn quốc, nếu chỉ thiết lập thôi sẽ không có tác dụng, để có tác dụng phải cho họ công cụ.
Cách chúng tôi đã làm là chuyển cho hai xã nghèo của huyện một số máy tính xách tay, cục phát wifi cộng với máy scaner, máy sao chụp màn hình, bộ nhớ đệm bên ngoài. Sau khi tập huấn xong, công chức ở xã cùng tổ chuyển đổi số cộng đồng đi xuống với bà con và giúp bà con đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc tỉnh. Tiếp đến là thực hiện cài đặt VNeID. Chúng tôi thấy rằng, khi có sự chỉ dẫn bài bản và quy củ, người ta sẽ làm được và rất hào hứng để giúp bà con tiếp cận, sử dụng các dịch vụ đó.
Tuy nhiên, trở lại với điều kiện khả thi ở đây là gì? Có những dịch vụ công ích có thể đến với vùng sâu, vùng xa; những nhà cung cấp dịch vụ có thể lên vùng cao như Viettel. Những ai đã và đang sử dụng, đăng ký của nhà mạng khác thì sẽ không lấy được mã OTP để truy cập dịch vụ. Họ phải nhờ công chức, tổ chuyển đổi số cộng đồng hỗ trợ.
Vì vậy, dịch vụ công ích hoặc viễn thông đã bao trùm chưa, đã thực sự hướng tới những người ở xa nhất chưa vì những người ở xa nhất mới cần nhất. Chúng ta biết rằng, khoảng cách về mặt vật lý để cho một người dân, dù rất gần như ở huyện Bắc Quang đến các huyện ở xa như ông Đinh Xuân Thắng đã nhắc đến, thì trung bình phải đi khoảng 15 km để đến trụ sở xã. Con đường đó không hề đơn giản, thời gian dài. Trong khi ở đô thị, khoảng cách 15km rất ngắn. Với những bà con nghèo, không có phương tiện đi lại, khoảng cách và thời gian càng dài, càng xa.
Cho nên, việc cung cấp dịch vụ viễn thông phải ưu tiên cho những người ở xa. Đấy là điều tôi rất mong muốn thông qua chương trình dịch vụ công ích của các tập đoàn viễn thông, sẽ hướng đến những người ở xa trước.
Ông Đinh Xuân Thắng: Tôi xin bổ sung thêm, các cách làm của UNDP chỉ là mô hình nhưng mô hình này rất hay, không thể thay thế được.
Hiện nay, chúng ta có 21% dân số là dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết. Vậy ai không biết đọc, biết viết? Đó là tất cả những người nghèo, người nghèo thì không học mà học thì không nghèo.
Những người không biết chữ, nghèo nhất thì rất cần tiếp cận thông tin nhưng nếu hỏi thì họ nói phải kiếm miếng ăn, no cái bụng trước và chưa nghĩ đến thông tin. Chúng ta đang định hướng, giúp họ tiếp cận với thông tin còn hỏi cần không thì chưa chắc họ đã cần.
Với các doanh nghiệp viễn thông, sử dụng dịch vụ viễn thông công ích, họ cũng không thể đi từng địa bàn, ngóc ngách trên cả nước mà chỉ phát triển đến thôn ở vùng gần. Với đặc thù những thôn vùng cao, các hộ gia đình nằm rải rác, mỗi hộ một quả đồi, quả núi… việc tiếp cận với Internet là khó khăn. Đây là ta nói phổ rộng, đủ cả 14,1 triệu đồng bào dân tộc thiểu số là bất khả thi.
Chúng ta xác định hạ tầng viễn thông công ích chỉ đến điểm trung tâm, có nhóm hộ, có nhà văn hóa thôn, phát triển mạnh là đến cấp xã. Điều này dẫn đến việc tiếp cận thông tin ở các địa bàn xa, cách trung tâm 15 – 20 km rất khó khăn.
Nhà báo Diệu Bình: Phổ cập dịch vụ Internet, mạng di động... là một giải pháp thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao năng lực của người nghèo. Dù có vai trò rất quan trọng song việc phát triển các dịch vụ viễn thông ở vùng sâu, vùng xa hiện còn không ít trở ngại. Những khó khăn, vướng mắc đó là gì? Đâu là nguyên nhân? Xin mời bà Đỗ Thanh Huyền.
Bà Đỗ Thanh Huyền: Ông Đinh Xuân Thắng vừa chia sẻ, đó là khoảng cách giữa những hộ gia đình sống phân tán ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Việc đưa trạm BTS về đó là một thách thức để phủ sóng được toàn bộ khu vực, nhà nào cũng có thể tiếp cận.
Nhưng đã có được sóng, trạm BTS mà điện không có thì cũng không làm gì được bởi tất cả phương tiện đều cần dùng đến điện. Vùng lõm điện còn quan trọng hơn việc lõm sóng. Nếu người ta sử dụng điện thoại cũng chỉ dùng điện thoại cục gạch đen trắng và họ cũng không thể nào tra cứu các thông tin như cách người miền xuôi sử dụng điện thoại thông minh. Một số nhóm đồng bào khá giả hơn có thể sử dụng điện thoại thông minh. Việc cung cấp sóng hoặc đưa dịch vụ viễn thông về cho bà con, tôi nghĩ đó là một trong những chính sách cần được ưu tiên.
Nếu không thể đưa được đến vùng sâu, vùng xa thì chúng ta không thể chờ đến ngày Internet tỏa xuống từ trạm quốc tế mà sẽ phải đầu tư cho nhóm đồng bào này, đặc biệt là những vùng tiền đồn như khu vực biên giới. Điều này rất quan trọng. Tại sao người dân lại biết được cơ hội việc làm ở nước bạn mà lại không biết được cơ hội việc làm ở nước mình? Câu hỏi đó phải đặt ra trước nhất.
Nhà báo Diệu Bình: Chúng ta đã có giải pháp gì khắc phục những khó khăn và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tại khu vực dân tộc thiểu số, miền núi để đưa thông tin đến gần hơn với đồng bào, thưa hai vị khách mời?
Ông Đinh Xuân Thắng: Nước ta có gần 5.000 km đường biên giáp với nước bạn Lào, Trung Quốc, Campuchia. Dọc tuyến biên giới hiện nay có khoảng 10 triệu người, trong đó 98% là người dân tộc thiểu số. Nhu cầu thông tin cực kỳ lớn.
Qua những năm tháng chúng tôi công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới thì các doanh nghiệp viễn thông cũng tập trung triển khai hạ tầng, đặc biệt là Viettel, đến vùng sâu, vùng xa. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa.
Vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói là tiếp tục sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để triển khai các dịch vụ viễn thông, đưa Internet, đưa chuyển đổi số xuống vùng sâu, vùng xa. Đây là sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông.
Tuy nhiên, để triển khai được đến tận vùng lõm sóng, vùng núi cao, cần sự nỗ lực hơn nữa của các doanh nghiệp viễn thông. Nói đến phát triển phải nói đến đầu tư. Gọi viễn thông công ích là bao cấp, thế nhưng phát triển thế nào? Có những địa bàn rất khó, kéo được trạm BTS chưa chắc có điện, chỗ có điện quản lý và vận hành được trạm BTS là một sự nỗ lực cực kỳ lớn của các doanh nghiệp viễn thông.
Bà Đỗ Thanh Huyền: Mỗi giai đoạn, chúng ta cần phải ưu tiên, chẳng hạn như bây giờ còn nhóm lõm sóng, thực ra không nhiều. Theo tôi khảo sát ở Hà Giang, còn khoảng 20 thôn bản thuộc về vùng lõm sóng. Hay đến Bình Phước vẫn còn vùng lõm sóng, mặc dù Bình Phước gần với các tỉnh khá phát triển như Ninh Thuận, mà đây là vùng đồng bằng, không phải vùng núi. Người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, họ ít có điều kiện tiếp cận hơn với thông tin.
Các đơn vị viễn thông, ví dụ như Viettel rất cam kết trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông công ích này tới vùng xa nhất. Tuy nhiên, trở lại với yêu cầu về việc sim số chính chủ. Người dân đã đăng ký chính chủ là sim Vinaphone và Mobiphone, giờ để truy cập được vào mạng, họ phải đi mua thêm 1 sim Viettel và làm lại thủ tục đăng ký từ đầu liên quan đến VNeID…
Vậy thì VNPT, Mobiphone có thể làm được các dịch vụ tương tự không? Đây là câu hỏi đặt ra đối với các đơn vị cung ứng dịch vụ này. Liệu rằng Chính phủ có thể yêu cầu các đơn vị này thực hiện tốt hơn việc phủ sóng hoặc nếu như không, chúng ta sẽ khuyến khích họ dùng Viettel thôi, không dùng các mạng khác. Vậy ai sẽ là người thanh toán cho họ những thay đổi số định danh cũng như thời gan, công sức thực hiện các quy trình, thủ tục đăng ký…
Nếu như vậy, vô hình trung tạo ra độc quyền dịch vụ cho một vài đơn vị. Đây là câu chuyện phải tính toán của các doanh nghiệp và sự điều tiết của Chính phủ, đơn vị công ích và những đơn vị thuộc về Nhà nước.
Doanh nghiệp đồng hành quá trình chuyển đổi số
Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, đến thời điểm này, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đời sống, kinh tế - xã hội thu được kết quả ra sao?
Ông Đinh Xuân Thắng: Trước hết, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, doanh nghệp, người dân cũng cần có cách tiếp cận hay gọi là mức độ sẵn sàng. Có những địa bàn dân trí cao như dân tộc Tày, Thái, Mường, Hoa, Khmer… tiếp cận rất nhanh. Tuy nhiên, có những nhóm dân tộc cực kỳ khó khăn như dân tộc Chứt ở Quảng Bình chỉ có hơn 7.000 người, đời sống khó khăn, lạc hậu so với sự phát triển chung của đất nước.
Tôi chỉ nói riêng việc ứng dụng chuyển đổi số với một nhóm đồng bào dân tộc Chứt là phải cầm tay chỉ việc, thậm chí là tìm đối tượng gần gũi với đồng bào nhất, đó là lực lượng biên phòng. Họ sẽ hỗ trợ từng việc nhỏ để đồng bào tiếp cận và vượt qua khó khăn. Không ai có thể thay thế được lực lượng biên phòng trong vấn đề này. Hay như đồng bào Mảng ở Lai Châu, ai sẽ hỗ trợ bà con? Vậy phải khảo sát xem đối tượng nào dễ tiếp cận nhất để hướng dẫn họ.
Hay như nói thanh toán không dùng tiền mặt, họ còn không biết đến tiền mặt là gì khi cuộc sống tự cung, tự cấp, cả tuần, cả tháng đi chợ 1 lần. Hoặc nhóm đồng bào dân tộc La Hủ thuộc nhóm dân tộc dưới 20.000 người cũng lạc hậu và khó khăn.
Vì vậy, nếu nói chuyển đổi số, thúc đẩy không dùng tiền mặt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cào bằng. Chúng ta phải lọc ra từng đối tượng, những đối tượng tự phát triển được cứ để họ phát triển, tiếp cận. Những đối tượng khó tiếp cận thì tìm cách hỗ trợ họ tiếp cận, như vậy mới chuyển đổi số được. Nếu mang một chính sách áp dụng cho 53 dân tộc là sẽ không thực hiện được.
Bà Đỗ Thanh Huyền: Ngay cả ở miền xuôi, nhiều người còn chưa làm được việc thanh toán không dùng tiền mặt nói gì đến miền núi, khu vực đồng bào dân tộc cực kỳ khó khăn.
Một năm vừa qua đồng hành cùng Hà Giang tại một số địa bàn dân tộc, chúng tôi thấy các ngân hàng cũng chưa hẳn tạo điều kiện cho người dân có thể thanh toán điện tử một cách dễ dàng. Điều đáng tiếc là các vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Agribank là ngân hàng chiếm thị phần rất lớn.
Nếu so sánh với các ngân hàng đang cung cấp các dịch vụ thanh toán dịch vụ công trực tuyến cho người dân, công chức giúp cho người dân làm thanh toán trực tuyến rất khó khăn. Ngân hàng Agribank yêu cầu họ phải tải phần mềm về, làm các bước rất phức tạp. Trong khi đó, các ngân hàng khác có thể hỗ trợ người dân thanh toán bằng chính tài khoản và các thông tin của họ.
Vô hình trung, Agribank tạo ra một rào cản khó khăn khác nữa cho người dân. Đến mức, chúng tôi phải đề nghị người quản lý ở dịch vụ công trực tuyến quốc gia tháo gỡ khó khăn ngay cho công chức địa phương để có thể hỗ trợ cho người dân.
Ông Đinh Xuân Thắng: Tôi muốn nói đến câu chuyện về khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, chuyển đổi số tốt phải có doanh nghiệp cầm tay, đồng hành.
Ta hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tốt, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận với bà con và tự ứng dụng chuyển đổi số để bà con thực hiện. Rất nhiều bà con đã thành công việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bán hàng online và sử dụng điện thoại thông minh trong quá trình sản xuất nhưng phải để doanh nghiệp tham gia. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chứ không thay thế được doanh nghệp trong vấn đề này.
Nhà báo Diệu Bình: Phát triển dịch vụ viễn thông, Internet đến các vùng khó khăn nhằm cung cấp cho người dân thông tin về kiến thức, kỹ năng sản xuất, học tập các mô hình vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Một trong những yếu tố làm hạn chế việc tiếp cận dịch vụ viễn thông của đồng bào dân tộc miền núi là thiếu các trang thiết bị cũng như không có điều kiện chi trả phí sử dụng dịch vụ. Vì vậy, rất cần phương án hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa, khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ viễn thông. Quan điểm của ông/bà về ý kiến này?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi cho rằng, việc hỗ trợ rất cần thiết vì chúng ta mong muốn bà con phát triển. Như ông Thắng đã nói, khi đã có sự hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, bà con sẽ tiếp cận và sử dụng được.
Thông qua công tác ở Hà Giang hoặc qua các dự án khác mà Tổ chức UNDP đã hỗ trợ bà con trong giai đoạn dịch Covid-19 tiếp cận với thương mại điện tử, bà con tự bán hàng của mình trên sàn giao dịch mà như chúng ta vẫn nói “đưa thực phẩm từ vườn đến bàn ăn”.
Qua đó có thể thấy, không phải họ không muốn học mà họ không thể học. Điều quan trọng nhất là hướng dẫn thế nào, cách thực hiện ra sao? Tôi rất đồng tình với ông Thắng ở khía cạnh, cần sự vào cuộc của cả khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp trong tiến trình này.
Thực tế làm việc với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là nơi cần phải ưu tiên, tạo điều kiện là thuộc về chính sách của Nhà nước chứ không phải chờ đợi vào xã hội hóa.
Ông Đinh Xuân Thắng: Tôi nhớ đến câu nói, “Một đàn chim bay nhanh hay chậm, không phụ thuộc vào con chim đầu đàn mà là con chim cuối đàn”. Một đất nước phát triển không thể nhìn vào vùng phát triển mà phải nhìn vào vùng kém phát triển.
Theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, nước ta có 3.434 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, có 1.151 xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cả nước hiện có đến 13.222 thôn đặc biệt khó khăn.
Chúng ta phải nhìn vào đó để chuyển đổi số, gảm nghèo thông tin và tập trung vào 3.434 xã đông đồng bào dân tộc thiểu số, 1.151 xã đặc biệt khó khăn, 13.222 thôn đặc biệt khó khăn để giải quyết.
Không thể mang một chính sách chung áp cho tất cả các địa bàn mà phải phân tích, địa bàn có nghèo thông tin không? Có thể họ nghèo nhưng không nghèo về thông tin, ngược lại họ tiếp cận rất tốt, cũng có những khu vực tiếp cận thông tin rất khó khăn. Hay có dân tộc tự tiếp cận được thông tin nhưng có dân tộc phải cần được hỗ trợ từ Nhà nước, các đơn vị…
Từ đó, đưa ra những chính sách phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng nếu không sẽ bị dàn trải, lãng phí, nơi cần thì không có, nơi có sẵn thì lại được đầu tư. Tôi xin nhắc thêm câu chuyện “Tặng than trong tuyết” tức là mình trao cho họ cái họ cần, từ đó mới tạo ra hiệu quả.
Đa dạng phương thức truyền thông
Nhà báo Diệu Bình: Thông tin và truyền thông có vai trò quan trọng với người nghèo vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo thời gian tới. Theo hai vị khách mời, những nhiệm vụ trọng điểm giai đoạn tới để chuyển đổi số góp phần tích cực giảm nghèo thông tin tại các vùng lõi nghèo?
Bà Đỗ Thanh Huyền: Một trong những việc chúng tôi đã và đang trao đổi đến các cơ quan có liên quan, đó là rào cản về ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là trên các cổng thông tin điện tử hay trên báo đài.
Tôi rất đồng tình quan điểm của ông Thắng là cần phải nghiên cứu rất cụ thể xem cộng đồng dân cư nào cần hỗ trợ tập trung, họ có ngôn ngữ viết và nói hay không? Nếu họ có cả ngôn ngữ viết và nói thì nên tích hợp vào cổng thông tin điện tử hoặc là dịch vụ công trực tuyến.
Ví dụ ở Hà Giang, đông người H’Mông, họ có ngôn ngữ nói, ta có thể hỗ trợ xây dựng các video clip hướng dẫn cài đặt, sử dụng app, dịch vụ công trực tuyến… bằng ngôn ngữ của họ.
Với người Tày, Nùng, Thái, Mường… có cả ngôn ngữ viết và nói, ta cũng có những hướng dẫn bằng cả ngôn ngữ nói và viết của họ.
Với những nhóm dân tộc như Pà Thẻn, Chứt, Mảng hay các nhóm dân tộc thiểu số khác… cần hỗ trợ bằng việc đưa tiếng Việt đến nhưng đồng thời phải tôn trọng ngôn ngữ của họ để truyền tải thông qua giao tiếp trực tiếp, để bà con hiểu được chính sách, vấn đề thông tin là như thế nào để họ tiếp cận được thông tin.
63 tỉnh thành là 63 trang thông tin điện tử nhưng vào đó chỉ thấy tiếng Việt. Mỗi nhóm tỉnh phải có những chuyên trang có ngôn ngữ của người dân tộc.
Ở Hà Giang, 88% dân số là thuộc về 18 dân tộc anh em, số còn lại 12% là đồng bào dân tộc Kinh. Đồng bào dân tộc Kinh là thiểu số nhưng ngôn ngữ giao tiếp chính lại là ngôn ngữ tiếng Việt.
Chúng ta sẽ nhìn vào vấn đề cụ thể của từng địa bàn để tạo ra thông tin bằng hình thức nào? Ví dụ như clip, nói chuyện thông qua giáo viên tại cấp tiểu học – đây cũng là kênh thông tin rất hiệu quả để có thể giúp cho bà con.
Hoặc có những nơi như đồng bào Khmer, Ê đê, Gia Rai thì tập trung vào giáo chức, thông qua nhà thờ, nhà chùa để thông tin, chia sẻ đến bà con, tại những nơi tụ tập đông người. Tức là có rất nhiều cách để làm nhưng phải địa phương hóa, dựa trên bối cảnh thực tiễn của từng địa bàn.
Ông Đinh Xuân Thắng: Tôi xin bổ sung thêm, trong 10 năm trở lại đây, ngoài sự phát triển của các doanh nghiệp viễn thông như xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa Internet về thực hiện ở các trung tâm hành chính công, công tác giảm nghèo thông tin chúng ta đang làm tương đối mạnh.
Đài Truyền hình Việt Nam đang phát 28 thứ tiếng, cả vùng Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, TP HCM. Đài Tiếng nói Việt Nam thì phát 13 thứ tiếng ở Tây Bắc, Đông Bắc, TP HCM và Tây Nam Bộ. Thông tấn xã Việt Nam phát hành Báo ảnh Dân tộc tiếng dân tộc thiểu số. Ủy ban Dân tộc thì có Chương trình cấp báo với 19 báo theo Quyết định 45 trước đây là phát không cho đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Ngoài ra còn có các hình thức khác như là tổ chức các lớp tập huấn từ địa phương đến Trung ương cho nhiều đối tượng.
Thời gian tới đây, chuyển đổi số để bà con tiếp cận được thông tin vẫn cần sự nỗ lực đặc biệt của doanh nghiệp viễn thông phát triển hạ tầng và đưa Internet lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cần lựa chọn đúng đối tượng để cung cấp các thiết bị đầu cuối và hướng dẫn cho đối tượng, từ đó lan tỏa đến đồng bào. Nếu phát cho tất cả các hộ nghèo các thiết bị đầu cuối để tiếp cận thông tin thì không đủ nguồn lực, lãng phí.
Hiện nay, Uỷ ban Dân tộc có một lực lượng rất đặc biệt là 28.538 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước. Mỗi thôn bản có đông đông bào dân tộc thiểu số sẽ bầu ra một người có uy tín. Người này hiểu rõ nhất tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và có tiếng nói người dân nghe.
Chúng tôi đánh giá cao vai trò của lực lượng này. Họ làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đây là đối tượng được Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc hướng đến cấp thiết bị đầu cuối cho họ. Tuy nhiên, cấp rồi phải hướng dẫn cho họ sử dụng.
Lực lượng thứ hai là bộ đội biên phòng dọc tuyến biên giới. Chúng tôi cũng cung cấp thiết bị, hướng dẫn để họ hướng dẫn lại cho bà con cách trồng cây gì, nuôi con gì, phát triển thế nào, mở rộng thị trường ra sao?
Lực lượng thứ ba, chúng tôi quan tâm là lực lượng thanh niên. Đây là lực lượng tiếp cận với công nghệ thông tin rất nhanh nhạy.
Lực lượng thứ tư là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ. Họ rất quan tâm đến công nghệ thông tin và ứng dụng rất tốt vào sản xuất, tiêu thụ. Họ sẽ hướng dẫn cho bà con trồng, nuôi, phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị.
Lực lượng thứ năm là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Chúng ta cần hỗ trợ họ tiếp cận với công nghệ thông tin tốt, vì họ là người gần gũi với người dân, học sinh.
Các lực lượng này nếu được hỗ trợ tốt, công tác chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc sẽ có những biến chuyển tích cực.
Nhà báo Diệu Bình: Hệ thống truyền thanh thông minh - ứng dụng công nghệ AI đang được nhiều địa phương triển khai thực hiện. Xin cho biết đánh giá của ông về hiệu quả của hệ thống truyền thanh trong việc tăng giàu thông tin đáp ứng yêu cầu của Tiểu dự án Giảm nghèo thông tin như thế nào?
Ông Đinh Xuân Thắng: Đây là một trong những nội dung tôi được tiếp cận trong thời gian còn công tác trong ngành thông tin và truyền thông. Trước kia chúng ta dùng truyền thanh có dây. Sau đó chuyển sang truyền thanh không dây, thông minh. Giai đoạn trước chúng ta không có kinh phí để bảo trì thiết bị dẫn đến hỏng hóc, sét đánh…
Khi chuyển sang truyền thanh thông minh, nhiều tỉnh đã áp dụng rất tốt. Đây là kênh truyền tải thông tin hay nhất, tốt nhất, gần gũi với bà con nhất, nhưng cần có cơ chế cho người biên tập, người đẩy tin lên. Tôi đi khảo sát, một số tỉnh có cơ chế tốt nhưng nhiều địa phương, người quản lý vận hành lại không sử dụng được tiếng địa phương của dân tộc đó.
Một địa bàn có khi có vài dân tộc cùng sinh sống cũng không thể chỉ phát thanh 1 ngôn ngữ của 1 dân tộc mà cần phải có biện pháp để phát thanh tiếng nói của tất cả các dân tộc trên địa bàn. Chúng ta cần có cơ chế có 1 nhóm biên tập các bản tin, thông tin thiết yếu để truyền tải đến bà con.
Nếu làm tốt, đồng bào sẽ thấy đây là kênh thông tin thiết yếu, bà con lên nương rẫy hay ở nhà lúc nào cũng đều nghe được. Bên cạnh đó, không phải nhà nào cũng có tivi, có đài radio, đện thoại thông minh.
Ngoài ra, khi tôi đi khảo sát, chúng ta cấp thiết bị đầu cuối như máy tính bảng, điện thoại thông minh, tivi, radio. Tôi hỏi 100 người, 100 người đều nói là chưa xem VTV5, chưa nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, có điện thoại nhưng vào mạng xã hội và xem nhều thông tin không chính thống. Ở đây, đài truyền thanh là kênh thông tin chính thống, người quản lý vận hành sẽ đưa tiếng nói của đài phát thanh địa phương và Đài Tiếng nói Việt Nam và biên tập, cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân, những chủ trương, chính sách của Đảng…
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tôi có thông tin khảo sát rằng, bà con muốn đến gặp cán bộ công chức nhiều hơn để tiếp nhận thông tin từ chính người trong cuộc. Vì dân đi nương, họ ở trên nương cả tuần mới về cũng không biết là họ có mang theo đài hay thiết bị nghe nhìn gì không? Khi nào cần đến thông tin chính thống của chính quyền địa phương, liên quan đến đời sống của mình, họ sẽ tìm đến cán bộ công chức, viên chức để hỏi.
Tôi nghĩ, có tiến tới điện tử hóa thì vẫn cần duy trì Bộ phận Một cửa để bà con không có điều kiện dùng thiết bị nghe nhìn thì có thể đến xã để hỏi.
Ngoài ra, cũng cần có lược đồ, bản tin cơ bản liên quan đến nghĩa vụ cần thực hiện như giấy tờ hành chính bằng video clip, văn bản dùng ngôn ngữ của bà con ở trụ sở UBND xã hướng dẫn người dân để họ biết cần phải làm gì.
Nhà báo Diệu Bình: Hiện nay, tại nhiều tỉnh thành đã xây dựng được tổ chuyển đổi số cộng đồng. Ông bà đánh giá thế nào về vai trò của tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các địa phương?
Ông Đinh Xuân Thắng: Tại tỉnh Bắc Kạn, dân số khoảng 325 nghìn người, hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao. Tuy là tỉnh nghèo những tôi đánh giá Bắc Kạn chuyển đổi số rất tốt và mạnh mẽ. Khi nhắc đến Bắc Kạn, người ta nhớ đến hồ Ba Bể hay các sản phẩm miến dong, bí đao. Bà con tiếp cận chuyển đổi số rất nhanh. Khi có tổ chuyển đổi số cộng đồng, họ tự đến nghe hướng dẫn và làm theo.
Tuy nhiên, với những dân tộc rất nghèo như Mảng, Pu Péo, Lô Lô, Chứt, Cống, Si La… lại không làm như đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Dao được. Việc phát triển tổ chuyển đổi số cộng đồng đối với địa bàn Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn… rất thuận tiện nhưng phát triển tổ này ở các dân tộc khác lại gặp khó khăn.
Bà Đỗ Thanh Huyền: Tính thích ứng của từng nhóm công dân không chỉ ở trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số mà còn ở dân tộc Kinh. Mỗi cộng đồng dân tộc cũng có những người nhạy bén, cũng có người chậm lại hoặc có những người ỉ lại. Đó là tính chất xã hội.
Ở một số địa bàn Hà Giang tôi đã tiếp cận, việc người dân truyền miệng rất nhanh. Cái gì tốt, mang lại lợi ích cho họ, họ truyền tin, chia sẻ rất nhanh hơn cả đài thông minh. Ví dụ khi tổ chuyển đổi số cộng đồng làm giúp người dân một số thủ tục hành chính thành công, họ lan truyền rất nhanh và nhiều người tìm, gọi đến tổ chuyển đổi số cộng đồng giúp họ, thay vì phải đến tận UBND xã.