Thành quả từ việc Hậu Giang coi giảm nghèo 'không chỉ dừng lại ở giảm con số'
Công tác giảm nghèo được Hậu Giang nhìn nhận không chỉ dừng lại ở việc giảm những con số mà phải bền vững và tiếp cận được với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Tại Hậu Giang, số liệu sơ bộ rà soát hộ nghèo cuối năm 2023, chỉ còn 3,49% hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, giảm 20% sau 20 năm. Giảm nghèo đã trở thành phong trào sâu rộng và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng xã hội tại tỉnh Hậu Giang.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo đều nhận được sự quan tâm, trợ giúp kịp thời về nhà ở, nguồn sinh kế, hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm… Với những hộ đã thoát nghèo luôn được tạo điều kiện để người dân thoát nghèo đa chiều, bền vững, tránh tái nghèo.
Gia đình chị Dương Thị Kiều, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, là một trong những hộ thoát nghèo trong năm 2023. Chị Kiều chia sẻ trước đây, nhà chị khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Giúp gia đình chị thoát nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xem xét hỗ trợ 3 con bò.
Từ ngày nhận bò về nuôi, vợ chồng chị cố gắng chăm sóc, hiện bò phát triển tốt, hứa hẹn tăng thu nhập cho gia đình. Chị kể, giờ gia đình chị cũng như bà con nơi đây đã có cuộc sống tương đối hơn.
Ở huyện Châu Thành, gia đình chị Nhan Thị Duyên, ở ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu, trước cũng thuộc diện hộ nghèo. Được hỗ trợ của chính quyền, các tổ chức ở địa phương, gia đình chị đã thoát nghèo cách đây 2 năm.
Năm 2023 này, chính quyền địa phương đã xem xét hỗ trợ gia đình mô hình nuôi dê. Với sự hỗ trợ này, chị Duyên tin rằng kinh tế gia đình sẽ ngày càng phát triển, tránh tình trạng tái nghèo.
Ở tỉnh Hậu Giang, một trong những điểm sáng trong thực hiện công tác giảm nghèo là TP.Ngã Bảy. Đến nay qua kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo của thành phố chỉ còn 187 hộ, chiếm tỷ lệ 1,21%.
Quyết tâm giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân được cấp ủy, chính quyền thành phố thể hiện rõ qua các giải pháp thực hiện. Thành phố đã tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có sự hỗ trợ phù hợp; nâng cao ý thức tự vươn lên của chính người nghèo bên cạnh việc giúp họ sử dụng hiệu quả nhất sự hỗ trợ của Nhà nước để thoát nghèo một cách bền vững nhất.
Một số hộ nghèo từ không có đất, phương tiện sản xuất đã được TP.Ngã Bảy hỗ trợ, tạo việc làm. Cán bộ địa phương hướng dẫn người dân cải tạo đất, chọn con giống, cây giống phù hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, thành phố còn quan tâm hỗ trợ nhà ở, đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Còn huyện Phụng Hiệp lại thành công trong giảm nghèo nhờ việc hỗ trợ "đúng và trúng", rà soát, phân loại từng hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ nghèo. Huyện đã có sự giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo cụ thể, thiết thực như hộ gặp khó khăn về nhà ở thì hỗ trợ xây nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Hộ không có tư liệu sản xuất thì được đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm; đối với hộ có đất sản xuất thì hướng dẫn mô hình, tập huấn kỹ thuật… Địa phương còn vận động xã hội hóa để hỗ trợ quà, nhu yếu phẩm sinh hoạt trong gia đình đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội…
Nhờ vây, dù là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các địa phương khác trong tỉnh, song với nhiều giải pháp, cách làm cụ thể, huyện Phụng Hiệp đã có chuyển biến rõ nét trong công tác giảm nghèo. Nếu như năm 2005 toàn huyện có 10.328 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,6%, thì đến cuối năm 2023, qua kết quả rà soát sơ bộ hộ nghèo của huyện giảm còn 5,3%, tương đương 2.697 hộ.
Những năm qua, từ nguồn ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa, lồng ghép với chương trình, dự án, các chính sách giảm nghèo ở Hậu Giang được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Việc vận động xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương được quan tâm, đẩy mạnh.
Các cấp, các ngành, địa phương giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người nghèo, đúng tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Minh An