Thành phố Bạc Liêu chú trọng cấp thẻ BHYT, giải quyết việc làm cho người nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2023, thành phố Bạc Liêu đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Cấp hơn 2.000 thẻ BHYT
Thành phố tiến hành đánh giá, khảo sát nhu cầu của các hộ nghèo, cận nghèo, cũng như phân loại hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Cụ thể, phân công các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố và phường, xã nhận đỡ đầu giúp đỡ vốn, phương tiện, con giống cho 108 hộ nghèo. Đối với số hộ cận nghèo, TP giao đơn vị phường, xã tự vận động giúp đỡ.
Bên cạnh đó, thành phố Bạc Liêu đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.145 lao động, giải quyết việc làm cho 7.863 lao động; vận động Quỹ An sinh xã hội được 13,4 tỷ đồng.
Trong công tác giảm nghèo bền vững, việc bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế cho người dân là giải pháp quan trọng. Do đó, thành phố phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp 2.050 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đồng thời vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ 262 thẻ BHYT cho các hộ gặp khó khăn về kinh tế.
Những giải pháp khác được TP Bạc Liêu triển khai gồm hỗ trợ tiền điện cho hơn 170 hộ nghèo, hộ chính sách; hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh nghèo. Trong năm 2023, tranh thủ nguồn hỗ trợ của các ngân hàng, nguồn vận động an sinh xã hội, TP đã xây dựng 128 căn nhà với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ gặp khó khăn về chỗ ở.
Với những nỗ lực kể trên, chất lượng cuộc sống người dân từng bước được nâng lên, đời sống của hộ nghèo được cải thiện.
Các mô hình giúp giảm nghèo bền vững
Những năm qua, TP Bạc Liêu còn tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các mô hình sinh kế giảm nghèo và nhân rộng các mô hình hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.
Đáng chú ý phải kể đến các mô hình của hội, đoàn thể. Tùy theo nhu cầu từng hộ, các hội, đoàn thể sẽ có những động thái hỗ trợ khác nhau. Chẳng hạn, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường Nhà Mát đã thành lập mô hình nuôi vịt xiêm, tổ hợp tác vá lưới, tổ may gia công, tổ hùn vốn, lưới gửi..., giúp chị em có thu nhập ổn định.
Hội LHPN Phường 3 thành lập mô hình “Hỗ trợ phụ nữ vốn sinh kế”, giúp nhiều chị em có điều kiện để buôn bán nhỏ như bán thức ăn, nước giải khát, quà vặt… Ngoài số vốn hỗ trợ, các hội viên còn được Hội LHPN Phường 3 hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế, tránh phải vay tín dụng đen.
Ngoài ra còn có mô hình “Kết nối yêu thương, đùm bọc sẻ chia” của Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 5, “Cửa nhôm, cửa sắt” của Chi đoàn khóm 1 (Phường 5); “Tổ dịch vụ việc làm” của Hội LHPN xã Vĩnh Trạch Đông; “May gia công” của Hội LHPN xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Trạch Đông…
Để đẩy nhanh việc thực hiện, góp phần đạt mục tiêu về giảm nghèo bền vững năm 2023 và giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành, địa phương phải chủ động phối hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.
Thành phố tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện và giải ngân theo kế hoạch các nguồn vốn được phân bổ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm phục vụ cho sản xuất, đời sống, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận và hưởng lợi từ những công trình này.
Phối hợp với các đơn vị giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo hàng năm đảm bảo chính xác, phản ánh đúng thực trạng nghèo của các địa phương; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt; khơi dậy ý chí tự lực, tự vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân.
Hà Thu