Thái Bình: Nhiều chính sách và nguồn lực để hỗ trợ người nghèo
Tỉnh Thái Bình đã dành nhiều chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Qua thời gian dài thực hiên, các chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả,
Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã dành nhiều chính sách và nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Qua thời gian dài thực hiên, các chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngồi trong căn nhà khang trang, chị Nguyễn Thị Ngân ở Phú Châu, Đông Hưng kể, trước đây gia đình chị là một trong những hộ nghèo của thôn. Chồng mất từ khi các con còn nhỏ, một mình chị với nghề may thủ công thu nhập hàng tháng thấp, việc học tập của các con gặp rất nhiều khó khăn. Được Hội Phụ nữ xã giới thiệu đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị vay gần 35 triệu đồng để lo việc học tập cho 2 con.
Đến nay, các con chị đều đã ra trường và có việc làm ổn định, số vốn vay sinh viên chị cũng đã trả hết. Chị Ngân chia sẻ, nhờ các chính sách hỗ trợ mà các con tôi được học tập, có việc làm, gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Chị Trần Thị Thanh ở xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy cũng là một hộ nghèo lâu năm. Gia đình chị rất khó khăn khi có người mẹ già ốm đau, chị gái khuyết tật và một người con đang ăn học.
Ðược Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đứng ra tín chấp giúp vay vốn, chị Thanh mua gà và lợn giống về nuôi. Do chăm sóc tốt, đàn gia súc và gia cầm lớn nhanh, không bệnh tật, mỗi lần xuất chuồng đều có lãi. Người con đang học cũng được tạo điều kiện vay vốn học sinh sinh viên nên gia đình dần bớt khó khăn. Vừa qua, chị còn được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn để sửa sang lại ngôi nhà đang ở.
“Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và ban ngành đoàn thể nên gia đình tôi đã thoát nghèo, vươn lên để xây dựng cuộc sống sung túc hơn”, chị Thanh cho hay.
Gia đình chị Ngân, chị Thanh chỉ là 2 trong số hàng chục nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Thái Bình được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các chương trình, chính sách để giảm nghèo. Trong đó, có nhiều chính sách về hỗ trợ, ưu tiên người nghèo trong học nghề, hỗ trợ học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, được hỗ trợ vay vốn để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; chương trình cho vay hộ nghèo. Chính sách thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở hộ nghèo; chính sách hỗ trợ tiền điện, chi phí khám chữa bệnh; hỗ trợ mua cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chính sách hỗ trợ về giáo dục cho học sinh nghèo, dân tộc thiểu số, chính sách về giảm nghèo thông tin…
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với các chính sách thiết thực hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã cho thấy những hiệu quả tích cực.
Một trong những chính sách hỗ trợ hộ nghèo đạt được hiệu quả cao là chương trình tín dụng với hộ nghèo, uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội. Chương trình cho vay với hoạt động hiệu quả của các tổ tiết kiệm và vay vốn đã góp phần động viên và nâng cao được ý thức của cộng đồng cùng có trách nhiệm chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo được chú trọng nhằm tạo điều kiện cho người lao động trong độ tuổi lao động thuộc diện hộ nghèo, có trình độ văn hoá, có sức khoẻ, có nhu cầu học nghề hoặc chuyển đổi nghề được học nghề phù hợp. Sau khi học nghề được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tại Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, tổng doanh số cho vay trong 20 năm qua đạt hơn 13 nghìn 400 tỷ đồng, với gần 870 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận với tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Thông qua đó đã giúp cho 141.907 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho hơn 91 nghìn lao động; hơn 94 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ sửa chữa hơn 4.700 ngôi nhà cho hộ nghèo…
Vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Do đó từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả.
Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Thái Bình là 2,4%. Đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh tiếp tục tập trung cho công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể. Gắn công tác hỗ trợ vốn tín dụng với việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, lâm, ngư, dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định thu nhập. Thực hiện xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Văn Giáp, Ngọc Quý, Minh Thúy