Thái Nguyên triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Linh Thông là địa phương ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên có tới 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 31,19%, hộ cận nghèo là 29,17%, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã triển khai hỗ trợ cho 25 hộ dân với tổng số 3.000 con gà mái giống ri lai Hòa Bình, mỗi hộ được hỗ trợ 120 con gà mái sinh sản.
Đối tượng được hỗ trợ là các hộ có trẻ em dưới 5 tuổi; hộ có bà mẹ mang thai; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu lương thực thực phẩm nhưng có điều kiện sản xuất thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực III. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 455 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 350 triệu đồng, nhân dân đối ứng 105 triệu đồng.
Để dự án triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Định Hóa, UBND xã Linh Thông tiến hành khảo sát lựa chọn hộ; tổ chức tập huấn kỹ thuật. Trên cơ sở đó, Chi cục tổ chức cung ứng giống gà, thức ăn hỗn hợp, hỗ trợ sát khuẩn chuồng trại, tiêm phòng vắc xin theo đúng định mức kỹ thuật.
Bên cạnh đó, cán bộ thú y thường xuyên theo dõi và hướng dẫn các hộ tham gia mô hình chăm sóc đúng quy trình tiêu chuẩn. Do vậy, đàn gà trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 96%. Qua đánh giá cho thấy, 25 hộ được hưởng lợi từ dự án rất phấn khởi vì ngoài lúa, chè còn có thêm nguồn thu nhập từ chăn nuôi gà để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn thực hiện tiểu dự án 1, dự án 3. Đồng thời, tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho gần 100 cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, Chi cục cũng được giao thực hiện các tiểu dự án nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, truyền thông, thông tin. Phối hợp với các địa phương rà soát, đề xuất dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Chi cục cũng tập trung hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ máy móc, thiết bị sản xuất, khuyến khích bà con áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Có thể nói, việc triển khai các mô hình kinh tế giảm nghèo ở miền núi, vùng sâu vùng xa của tỉnh Thái Nguyên đã tạo thêm sinh kế, làm thay đổi căn bản đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thạch Thảo, Trần Hảo, Thu Hà