Si Ma Cai phát huy vai trò hợp tác xã trong thúc đẩy giảm nghèo
Với 23 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đưa công tác giảm nghèo của huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đi vào thực tiễn và bền vững.
Cách đây gần chục năm, chị Vũ Thị Nhung ở thôn Mản Thần, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai đã mạnh dạn đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân địa phương. Chỉ sau thời gian ngắn, chị đã biến vùng đất Mản Thần trở thành vựa trồng cây ăn quả ôn đới, dược liệu và thành lập Hợp tác xã Mản Thần để liên kết chị em trong thôn cùng nhau xóa đói, giảm nghèo trên vùng đất khó này.
Chị Vũ Thị Nhung cho hay, khi chưa có hợp tác xã, canh tác theo hộ gia đình thì bà con chưa có kỹ thuật nên năng suất, sản lượng rất thấp. Giờ đây, tham gia hợp tác xã, bà con được hỗ trợ về canh tác và chế biến cây dược liệu.
Đến nay, Hợp tác xã Mản Thẩn thu hút cả trăm thành viên tham gia. Mục đích thành lập hợp tác xã là để khẳng định thương hiệu cho những sản phẩm của chị em người Mông nơi đây.
Thống kê cho thấy, huyện Si Ma Cai hiện có 23 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác, với hơn 1.000 thành viên, góp phần tích cực trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo việc làm. Hơn 90% hộ dân của huyện vùng cao Si Ma Cai có thu nhập chính từ nông nghiệp.
Thời gian qua, địa phương đã quan tâm nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã, thu hút đầu tư, liên kết để mở rộng quy mô sản xuất, hướng tới hình thành chuỗi giá trị, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, giá trị gia tăng cao. Huyện cũng chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã vào liên kết sản xuất với nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Ông Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai cho biết, là một trong những huyện nghèo biên giới của tỉnh Lào Cai nên một trong những mục tiêu hàng đầu phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ huyện Si Ma Cai đặt ra là đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, do có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với đặc thù là một huyện thuần nông, Si Ma Cai tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch nông nghiệp. Vì vây, chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang tư duy kinh tế nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đa dạng theo chuỗi giá trị. Trong đó phát triển mô hình hợp tác xã phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Si Ma Cai chiếm 66,7% (kết quả điều tra năm 2022 hộ nghèo chiếm 48,1%, hộ cận nghèo chiếm 18,6%).
Trong thời gian tới, huyện Si Ma Cai quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững.
Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác… tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo bằng các hình thức cụ thể.