Quảng Ngãi chú trọng tạo việc làm cho người nghèo
Đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Mục tiêu kết nối việc làm cho 1.000 lao động
Thành phố Quảng Ngãi đề ra mục tiêu đến cuối năm 2024, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.
Hiện tại, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người dân; phấn đấu đảm bảo 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo được hỗ trợ kết nối, tư vấn khi có nhu cầu.
Trong 2 năm (2022 - 2023), từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thành phố bố trí gần 1,4 tỷ đồng để phát triển giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo, cận nghèo và gần 1,1 tỷ đồng hỗ trợ việc làm bền vững.
Việc đào tạo kỹ năng nghề dựa trên nhu cầu của người dân, đồng thời gắn với mô hình sinh kế của từng địa phương. Công tác hỗ trợ việc làm bền vững cũng được tăng cường bằng cách tổ chức các sàn giao dịch việc làm đến tận cơ sở, để người dân có thêm nhiều thông tin.
Bên cạnh đó, thành phố linh hoạt triển khai các giải pháp khác nhau. Hàng quý, TP.Quảng Ngãi thống kê, gửi danh sách người lao động có nhu cầu việc làm để Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN giới thiệu cho doanh nghiệp. Khi có doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, hai bên thống nhất tổ chức sàn giao dịch việc làm riêng cho người dân thành phố.
Thành phố Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025 sẽ kết nối việc làm cho khoảng 1.000 lao động làm việc tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh.
Đào tạo nghề phù hợp nhu cầu thực tế
Huyện Mộ Đức cũng coi đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp thiết thực giúp thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã mở 4 lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có mức sống trung bình. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch mở lớp.
Ngoài lớp học về chăn nuôi gia súc, gia cầm, UBND huyện Mộ Đức phối hợp với Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM cơ sở Quảng Ngãi tổ chức lớp dạy nghề pha chế đồ uống (nước ép, trà sữa…), kỹ thuật chế biến món ăn... Dự kiến đến cuối năm, huyện mở thêm các lớp đào tạo nghề về trồng rau an toàn, trồng bắp sinh khối nhằm phát triển trồng trọt, tiêu thụ nông sản ở địa phương.
Tương tự, trong năm 2023, huyện Sơn Tịnh tổ chức các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa năng suất cao cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp.
Các lớp học ở đây thường kéo dài khoảng 1 tháng, kết hợp lý thuyết và thực hành. Đối với lớp học chăn nuôi, học viên được hỗ trợ 100 con gà để nuôi thực hành.
Tổng cộng, huyện Sơn Tịnh đã mở 30 lớp đào tạo nghề cho gần 485 lao động. Công tác đào tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp cho lao động thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Sơn Tịnh giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, huyện đã tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chương trình tại các xã trên địa bàn; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế.
Hà Thu