Quan tâm đặc biệt với công tác truyền thông, giảm nghèo về thông tin
Báo chí chính thông và các phương tiện truyền thông đại chúng đã góp phần tuyên truyền cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời hiểu được những thay đổi của chương trình, chính sách.
Chính sách giảm nghèo là một chính sách quan trọng, xuyên suốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Trong một hội thảo đánh giá về hiệu quả của công tác giảm nghèo, ông Ngô Trường Thi - nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ:
Hơn 10 năm trước, khi về các bản, làng để triển khai chính sách giảm nghèo, hầu hết bà con đều không biết mình sẽ được hỗ trợ những gì, thủ tục ra sao. Vậy nhưng giờ đây đã khác, đa phần bà con đã hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình; thậm chí sẵn sàng nêu ý kiến nếu cán bộ làm chưa đúng.
Có được sự chuyển biến này, theo ông Ngô Trường Thi, là do công tác tuyên truyền, thông tin về chính sách, về công tác giảm nghèo đã được thực hiện rất tích cực, rộng khắp. Trong đó, các phóng viên, nhà báo của các đơn vị báo chí từ Trung ương đến địa phương chính là những nhân tố quan trọng giúp bà con hiểu: Giảm nghèo là chủ trương lớn được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Muốn thoát nghèo thì cùng với sự giúp sức của Nhà nước, bản thân bà con cũng phải nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo…
Chung quan điểm với ông Ngô Trường Thi, Bộ Lao động cũng ghi nhận những đóng góp to lớn và vai trò quan trọng của báo chí, của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cuộc chiến chống đói nghèo của Việt Nam trong những năm vừa qua.
Thực tiễn cho thấy, công tác giảm nghèo, mỗi một giai đoạn mới, lại có cách tiếp cận và những yêu cầu mới. Trong suốt thời gian qua, phương châm thực hiện giảm nghèo của Việt Nam có nhiều thay đổi cho phù hợp mỗi giai đoạn, chính vì vậy rất cần đến công tác truyền thông, các nhà báo, phóng viên… tuyên truyền cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời hiểu được những thay đổi của chương trình, chính sách.
Đơn cử, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới một số điểm mới như: Tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi; Tích hợp các chương trình, dự án đã có trước đây; Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều; Chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện… Trước những thay đổi này của chính sách, yêu cầu các phóng viên báo, đài, truyền hình cần tích cực, chủ động đồng hành để có những bài viết tác động và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động được nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng vào công tác giảm nghèo.
Chính vì xác định được tầm quan trọng của thông tin đối với công tác giảm nghèo, trong Chương trình Mục tiêu về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Dự án Truyền thông và Giảm nghèo về thông tin tiếp tục được triển khai với tổng nguồn vốn là 600 tỷ đồng. Dự án không chỉ nhằm tăng cường nội dung thông tin, mà còn góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân thông qua việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về công tác giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, biên tập, phát sóng, phát hành, quảng bá các sản phẩm báo chí tới người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào vùng DTTS và miền núi.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội bằng Nghị quyết số 24/2021/QH15 đã phê duyệt chủ trương đầu tư “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Hiện Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã được thành lập để chỉ đạo chung cả ba chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới các địa phương. Công tác thông tin tuyên truyền, truyền thông về Chương trình được quan tâm nhiều hơn, việc đổi mới phương thức thực hiện đã tạo nên hiệu ứng tốt về giảm nghèo trong mọi tầng lớp nhân dân.
Ngày 16/1/2017, ngay sau khi Quyết định 633/QĐ-TTg về việc “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 59/QĐ-TTg tiếp tục phê duyệt 18 ấn phẩm báo, tạp chí được ngân sách Trung ương cấp kinh phí hàng năm nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tại vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017 - 2018.
Những chủ trương, chính sách trên đã minh chứng cho thấy tầm quan trọng, sự định hướng, đầu tư của Đảng và Nhà nước dành cho công tác truyền thông, giảm nghèo về thông tin cho đồng bào. Cùng với những chủ trương này, sự vào cuộc tích cực, nhân văn và sát sao của các phóng viên, báo chí trên cả nước… sẽ tạo nên những tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của nhiều ngành, nhiều cấp và của chính người dân - đối tượng trực tiếp của các chính sách giảm nghèo.
Văn Hưng, Lê Anh Dũng, Hoàng Hưng