Phú Thọ: Chuyển đổi số nông nghiệp, thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đã bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số và góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số trên cả nước, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đã có nhiều thay đổi tích cực, nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với thương mại điện tử. 

Điều này góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp hàng hoá và nâng cao tiêu chí thu nhập của người dân. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, các mô hình chuyển đổi số của tỉnh Phú Thọ đã đem lại những kết quả khả quan. Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã lựa chọn phần mềm hoạt động đa nền tảng phục vụ chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh; xây dựng, vận hành phần mềm chuyển đổi số nông nghiệp trên website: http://phutho.idfood.net/ và ứng dụng “Agritech- Chuỗi nông nghiệp số” cho các thiết bị di động. 

Người nông dân Phú Thọ sử dụng app theo dõi sinh trưởng của cây chè. 

Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình “Chuyển đổi số trong nông nghiệp gắn với thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ”, tạo nền tảng thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp nhằm chuẩn hóa quy trình sản suất, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, minh bạch thông tin, mã hóa và xuất code tem QR truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị từng sản phẩm.

Hiện đã có 50 cơ sở sản suất nông sản hàng hóa và sản phẩm OCOP áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh bằng phần mềm Agritech. Các cơ sở tham gia chuyển đổi số được cấp mã số, sơ đồ hóa và định vị GPS cơ sở sản xuất; quản lý, cập nhật đầy đủ quy trình sản xuất, vật tư đầu vào, đầu ra, nhật ký điện tử sản xuất theo thời gian; mã hóa, xuất code tem truy xuất nguồn gốc QR… Các tính năng đều được minh họa bằng biểu tượng/hình ảnh đáng chú ý, rất dễ sử dụng cho người dân.

Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn là một trong 63 hợp tác xã tiêu biểu trên toàn quốc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023. Hợp tác xã đã thay đổi tư duy bằng việc chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chè hữu cơ và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Năm 2022, Hợp tác xã chè Cẩm Mỹ có hai sản phẩm chè đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh. 

Hợp tác xã xác định thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng thương hiệu và bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hiện hợp tác xã đã có trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có fanpage trên mạng xã hội. Nhờ đó, lượng khách ở các tỉnh, thành phố khác biết đến, đặt hàng chè xanh Cẩm Mỹ thông qua các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng tăng.

Cũng là đơn vị áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng thành công khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Hợp tác xã chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê canh tác chè theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Từ chính sách khuyến công và các nguồn vốn hỗ trợ khác, hợp tác xã được hỗ trợ một phần vốn đầu tư máy móc, mua máy sao chè bằng gas, máy sao sấy bằng tôn, máy hút chân không... Các thiết bị hiện đại, hiển thị thông số kỹ thuật nên sản phẩm làm ra đồng đều, đạt chất lượng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã từng là hộ nghèo của xã Đồng Lương. Quá trình bươn chải làm nhiều nghề, ông nhận thấy tiềm năng của cây chè nên đã mạnh dạn cải tạo đất đồi, vay vốn tín dụng chính sách để trồng chè và sản xuất chè. Đến nay, ông đã thoát khỏi hộ nghèo và còn là tấm gương điển hình, đóng góp vào sự phát triển của làng nghề chè Đá Hen.

Chính quyền xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê trao đổi với đại diện Hợp tác xã chè Đá Hen về công tác chuyển đổi số. 

"Trong xu thế hiện nay, việc hiện đại hóa công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số là yếu tố quyết định đến chất lượng, giá trị sản phẩm. Hợp tác xã phổ biến đến các hộ dân áp dụng sổ nhật ký điện tử vào trồng, chăm sóc, thu hoạch chè. Đồng thời đầu tư sử dụng hệ thống tưới phun mưa cho cây chè vừa tiết kiệm nước, vừa bảo đảm chất lượng chè nguyên liệu", ông Thanh nói. 

Hiện nay, Hợp tác xã chè Đá Hen tiêu thụ ra thị trường hơn 1 tấn sản phẩm/tháng, doanh thu từ 200 -  300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động với mức lương bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trong số đó, có nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng với đó, Hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử uy tín. Nhiều khách hàng từ nước ngoài, các tỉnh phía Nam… tìm đến đặt vấn đề giao dịch. 

Đơn vị tiên phong của tỉnh Phú Thọ sử dụng tem “Vân Niêm Phong” là Hợp tác xã chè an toàn Long Cốc, huyện Tân Sơn. Đây là tem đối chứng, dựa trên cơ sở vân tay của 3 bên gồm: Nhà phân phối; nhà sản xuất và chủ sở hữu tem. Tem lấy vân tay theo cách thủ công, được dán bên cạnh mã QR code. Người quét mã sẽ được kiểm chứng ba vân tay trên. Nếu sản phẩm bị làm giả, tem hiển thị trên mã QR code sẽ không khớp hoặc không kiểm tra được. Đây là cách để phân biệt thật giả, giúp giữ vững uy tín, chất lượng của chè Long Cốc. 

Bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Long Cốc chia sẻ: “Việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp người nông dân thay đổi tư duy kinh tế; đảm bảo việc sản xuất kinh doanh ổn định, từ đó có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Hiện chúng tôi đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động nghèo, mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tạo thu nhập cho các hộ liên kết (trên 20 hộ người dân tộc Mường), thông qua việc thu mua nguyên liệu (chè búp tươi) với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá thị trường. Qua đó, giúp hộ nghèo thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn”. 

Trên địa bàn huyện Tam Nông, Hợp tác xã rau, củ, quả sạch Mạnh Liên, xã Hương Nộn đã đầu tư hệ thống nhà lưới với quy mô hơn 7.000m2 trồng măng tây, dưa chuột… cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel. Công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công. 

Thực hiện chuyển đối số trong nông nghiệp, toàn tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gồm 70 vùng chè với diện tích 5.800 ha, 166 vùng bưởi với diện tích hơn 2.600 ha, 33 vùng chuối với diện tích hơn 1.000 ha. Cấp được 41 mã số vùng trồng với diện tích gần 1.500 ha cho các sản phẩm như chuối, bưởi, rau; hơn 3.000 ha bưởi sản xuất theo hướng an toàn, 25 hợp tác xã, 82 trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất... 

Nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như nongsan.phutho.gov.vn, giaothuong.net và trên các trang mạng xã hội. Từ đó đã góp phần đưa sản phẩm nông sản Phú Thọ đến với người tiêu dùng, giúp các sản phẩm nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường, quảng bá rộng rãi hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

Hồng Hạnh và nhóm PV

Chàng trai người Mông mở HTX bao tiêu hàng nghìn tấn dứa cho người dân biên giới

Năm 2022, anh Thào A Giàng thành lập Hợp tác xã dứa Mường Nhà (Điện Biên), liên kết với gần 70 hộ dân bản giáp biên trồng hơn 60ha cây dứa mật, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra giúp bà con.

Bắc Kạn hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành

Chiều 31/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức trao tặng 176 chiếc điện thoại thông minh trong chương trình Hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã/phường thí điểm chuyển đổi số năm 2023.

Nước sạch đến với học sinh vùng cao Nậm Pồ

Tính tới ngày 31/10, toàn huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 26 giếng khoan tại các trường học trên địa bàn.

Nhiều hộ dân ở Phong Thổ viết đơn xin thoát nghèo

Những lá đơn xin thoát nghèo đã thể hiện nguyện vọng, khẳng định ý chí tự lực vươn lên của một bộ phận đồng bào ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) trong hành trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Thừa Thiên Huế: Linh hoạt thực hiện chính sách giảm nghèo đặc thù

Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, trong đó có 6 nhóm chính sách trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Tuần Giáo nỗ lực thực hiện 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế

Tính đến ngày 31/10/2023, tổng số học sinh trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tham gia bảo hiểm y tế là 1.335 em, đạt 106.8% kế hoạch tỉnh giao.

Quảng Bình: Nguồn vốn ưu đãi giúp đoàn viên thanh niên thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, tạo đòn bẩy cho người dân Quảng Bình đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuần Giáo nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy giảm nghèo

Những việc làm hỗ trợ thiết thực đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Tây Ninh: Nhiều cơ chế giảm nghèo đa chiều hiệu quả

Tỉnh Tây Ninh ban hành và thực hiện lồng ghép nhiều chính sách, mô hình giảm nghèo đa chiều hiệu quả cho vùng nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

TP Bà Rịa khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân

Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp người dân Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) có sinh kế ổn định, thoát nghèo bền vững, từng bước vươn lên khấm khá.