Để không còn ai sống dưới mức sống tối thiểu
Bên cạnh đổi mới về nội dung tuyên truyền, phương tiện thông tin hiện đại đang góp phần phát huy ý thực tự chủ, tự lực của người dân trong triển khai các chính sách giảm nghèo.
Phấn đấu không còn ai sống dưới mức sống tối thiểu vào năm 2025 là mục tiêu quan trọng song không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự thống nhất và phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu chuyển đổi và áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều dựa vào thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều nhằm mục đích xác định đối tượng nghèo, đánh giá và xây dựng các chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội. Đa số các quốc gia này là các nước đang phát triển với tốc độ giảm nghèo nhanh song chưa bền vững.
Để khắc phục những điểm yếu của phương pháp nghèo thu nhập đã bộc lộ những bất cập trong bối cảnh hiện nay, trên cơ sở 5 chiều cạnh nghèo, 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều tương ứng là: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, nhà vệ sinh, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Theo các chuyên gia về chính sách xã hội, để giải quyết nghèo đa chiều hiệu quả, trước hết, cần đổi mới tư duy xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo; phân cấp quản lý, tăng cường vai trò của cấp địa phương, chuyển từ hỗ trợ sang đầu tư. Đây là điều kiện hết sức cần thiết, vì các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cần gắn với các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, áp dụng các tiếp cận tăng trưởng bao trùm toàn diện. Các chính sách cần được thiết kế bảo đảm sự thống nhất về cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ giống nhau đối với các đối tượng giống nhau, tránh trùng lắp cũng như bỏ sót đối tượng.
Tiếp tục khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; phân công đầu mối chịu trách nhiệm. Theo đó, thu gọn đầu mối, thực hiện các chính sách giảm nghèo theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan Trung ương nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế sự chồng chéo giữa các chính sách. Giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay có điều kiện, có thời hạn để khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo.
Và đặc biệt cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, ý thực tự chủ, tinh thần tự lực của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát nhằm nâng cao tính hiệu quả và tính bền vững của các chính sách giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy để thực hiện cam kết giảm nghèo, như tinh thần Nghị quyết số 80/CP về giảm nghèo bền vững và Nghị quyết số 26-NQ/TW (Khóa X) của Ban Chấp hành trung ương là đưa người dân trở thành chủ thể của quá trình phát triển. Chú trọng hơn nữa đến việc xây dựng các nền tảng thể chế và xã hội cho quá trình phát triển, cũng như việc quản lý tình trạng dễ bị tổn thương, khuyến khích sự tham gia của người dân để bảo đảm mọi người đều có đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Đồng thời mở rộng kinh tế cho người nghèo bằng cách đẩy mạnh tăng trưởng nói chung và tích lũy tài sản cho người nghèo thông qua hỗ trợ đất đai, giáo dục cho họ; tăng thêm mức lợi suất từ những tài sản này thông qua sự kết hợp các hành động mang tính thị trường và phi thị trường. Tăng cường sự tham gia của người nghèo trong các quá trình chính trị và ra quyết định ở địa phương, từng bước dỡ bỏ những rào cản xã hội như phân biệt giới, tôn giáo và địa vị xã hội.
Có thể thấy, với những nỗ lực truyền thông, nỗ lực giảm nghèo thông tin đang dần tác động vào ý thức hành động của mỗi người dân, mỗi cấp chính quyền, từ đó tạo nên động lực lớn, góp phần thúc đẩy giảm nghèo đa chiều
Khánh Hòa, Trà My, Thu Hà