Trồng dứa “nữ hoàng” trên đồi dốc, người Mông ở Mường Chà thoát nghèo bền vững
Nhờ được tiếp cận thông tin, thay đổi tập quán làm ăn cũ, bà con dân tộc Mông ở bản Na Sang, xã Mường Chà (Điện Biên) đã chuyển sang trồng các cây thương mại đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhờ vậy, 15 năm qua, cây dứa đã góp phần đem lại thu nhập cao gấp 4-5 lần so với ngô, lúa, giúp bà con người Mông thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Để đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con, để chuyển tải các kinh nghiệm làm ăn theo phương thức mới đến với bà con, chính quyền địa phương đã thường xuyên tổ chức các buổi phổ cập chính sách phát triển nông nghiệp của Nhà nước, tỉnh Điện Biên, mở các lớp hướng dẫn, tuyên truyền thông tin về làm nông nghiệp sạch, bền vững….
Bên cạnh đó, bà con cũng chủ động tham gia hợp tác xã để trao đổi kinh nghiệm về mô hình trồng dứa, cập nhật các phương pháp nông nghiệp bền vững, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.
Dứa Mường Chà chủ yếu là dứa nữ hoàng (dứa Queen) với kích cỡ lớn, hương vị thơm, ngon, vị ngọt, được thị trường ưa chuộng. Giống dứa này phù hợp với thổ nhưỡng của Mường Chà, và sinh sôi tốt trên những triền đồi dốc, có thể trồng xen kẽ dưới tán những đồi cao su lâu năm.
Theo người dân ở Mường Chà, dứa cho bà con thu nhập ổn định và có thể trồng gối vụ, thu hoạch quanh năm, vì thế họ không dùng các loại thuốc hóa học, không tự “phá” “nồi cơm” của chính mình. Thông qua sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, hoạt động hướng dẫn của hợp tác xã và thông tin trên truyền hình, internet, bà con tại Mường Chà đã hiểu về tác hại của thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Ngọc Trang, Xuân Long, Văn Hùng và nhóm PV