Bản Tèn hướng đến giảm nghèo bền vững thông qua các mô hình phát triển kinh tế
Khi tham gia các mô hình, bà con được hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phân bón..., ngoài ra còn được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Xóm Bản Tèn ở xã Văn Lăng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Khu vực này được mệnh danh là xóm vùng cao và xa nhất của tỉnh.
Bản Tèn có 139 hộ dân, với 725 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trước năm 2021, kinh tế của bà con trong xóm chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, cây ngô, với tổng diện tích đất nông nghiệp và đất nương rẫy gần 68ha. Ngoài bắp ngô, hạt thóc, người dân trong Bản Tèn không còn nguồn nhập nào khác. Do đó, đời sống đồng bào gặp không ít khó khăn, 100% gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Bản Tèn từng được mệnh danh là xóm “3 không” (không điện, không đường bê tông, không sóng điện thoại). Đến nay, dù đã được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, kết nối với điện lưới Quốc gia... nhưng đời sống của người dân Bản Tèn vẫn còn rất khó khăn.
Thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác giảm nghèo tại Bản Tèn, từ năm 2021 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh và huyện Đồng Hỷ, xã Văn Lăng đã triển khai và thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tại xóm. Cụ thể, các đơn vị đã hỗ trợ 1 tấn gừng giống cho 44 hộ; 14 con lợn giống cho 6 hộ; 2.000 cây ba kích tím cho 2 hộ; 10 con bò sinh sản cho 10 hộ…
Sau gần 2 năm triển khai, một số mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Tiêu biểu như với mô hình nuôi lợn thịt, người dân đã nuôi lớn, bán lứa lợn được hỗ trợ ban đầu và tiếp tục tái đàn. Hiện nay, mỗi hộ tham gia mô hình đang nuôi 2-5 con lợn thịt. Với mô hình trồng gừng, sau khi cho thu hoạch, bà con đã nhân giống để mở rộng diện tích…
Trước đây, gia đình anh Vương Văn Sị chỉ biết bám vào cây ngô, cây lúa nhưng năng suất kém. Cách đây 1 năm, khi được hỗ trợ một con bò giống sinh sản, anh đã làm lại chuồng kiên cố, tận dụng một số diện tích đất trống để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Dự tính, sau khi bò sinh sản, gia đình anh sẽ có thêm nguồn thu nhập.
Gia đình ông Lý Văn Bai là một trong những hộ dân tham gia mô hình trồng gừng. Tháng 5/2021, gia đình ông được hỗ trợ 50kg gừng giống. Đầu năm 2022, sau khi thu hoạch ông không bán hết củ mà giữ lại một phần để nhân giống, mở rộng diện tích. Đến nay, gừng đã cho thu hoạch, bình quân mỗi khóm được 2kg, nếu thu hoạch hết gia đình ông được khoảng 1 tấn gừng. Với giá bán như hiện nay, ông dự tính thu được khoảng 7-8 triệu đồng.
Mới đây huyện Đồng Hỷ đã triển khai mô hình trồng hoa Tam giác mạch tại xóm Bản Tèn với tổng diện tích 7,1 ha. Đây được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy nhằm khai thác hết tiềm năng du lịch của Bản Tèn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo nơi đây.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện mô hình này tại Bản Tèn là khoảng 500 triệu đồng; thực hiện từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023. Khi tham gia mô hình, các hộ dân sẽ được hỗ trợ 100% giống hoa Tam giác mạch, giống hoa khác, hoa đặt chậu, 50% phân bón; hỗ trợ 100% công cày bừa, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch; hỗ trợ 30% sản lượng lúa cho các hộ tham gia mô hình.
Việc triển khai mô hình trồng hoa tam giác mạch tại Bản Tèn giúp tận dụng những diện tích đất vụ Đông không gieo trồng; từ đó thúc đẩy phát triển du lịch, gắn dịch vụ với phát triển nông nghiệp; tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bản địa, nâng cao kiến thức phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng du lịch cho người dân.
V.v...
Đến nay, hơn 100 hộ trong xóm Bản Tèn đã được hỗ trợ tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế. Bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế, các cấp, các ngành của địa phương cũng chú trọng đến việc hỗ trợ người dân liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp.
Khi tham gia các mô hình, bà con được hỗ trợ cây, con giống, vật tư, phân bón..., ngoài ra còn được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Mặc dù các mô hình được triển khai đã đem lại một số hiệu quả nhưng theo lãnh đạo UBND xã Văn Lăng, phần lớn mới ở giai đoạn đầu. Kết quả này còn cách mục tiêu là tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân khá xa. Mục đích chính của các mô hình là để người dân thay đổi tư duy về sản xuất, tạo vùng nông sản phù hợp với đặc thù của miền núi, vùng cao. Do đó, Bản Tèn vẫn cần thêm nguồn lực hỗ trợ để phấn đấu vươn lên.
Được biết, thời gian tới, song song với việc triển khai các mô hình kinh tế, xã Văn Lăng sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ 118 hộ xây mới, sửa chữa nhà ở; mở rộng đường giao thông từ xóm Tam Va lên xóm Bản Tèn để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế; hỗ trợ các hộ dân xây dựng công trình phụ; phối hợp với các ngành chức năng để tạo việc làm cho người dân xóm Bản Tèn…
Huy Linh, Thục Anh, Lệ Yên