Mường Khương tích cực dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp căn cơ giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững được huyện Mường Khương (Lào Cai) quan tâm thực hiện.
Mường Khương là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Lào Cai, dân tộc thiểu số chiếm 88%, nguồn lao động dồi dào, đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng với trên 42.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 63% dân số).
Tuy nhiên, do mặt bằng dân trí chưa cao, việc làm của người dân vùng dân tộc thiểu số dễ rơi vào tình trạng bấp bênh, không ổn định. Đến hết năm 2020, chất lượng nguồn và tỷ lệ lao động của huyện qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp, chỉ đạt 21,2%.
Vì vậy, giải quyết việc làm cho người dân nhằm khắc phục hoàn cảnh sống khó khăn và hướng tới sự phát triển bền vững là một trong những chủ trương quan trọng được cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mục tiêu đề ra: “Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24%; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 69%, tỷ lệ thất nghiệp là 0,5%”.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trên, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Khương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhiều giải pháp đã được triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Huyện tập trung chỉ đạo tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Đặc biệt là các lớp trồng và chế biến chè nhằm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, mở thêm nhiều lớp dạy nghề về xây dựng, kỹ thuật điện dân dụng; liên kết đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp, chế biến, may thêu, dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác đáp ứng nhu cầu, phù hợp với đời sống của người dân.
Năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mường Khương mở 16 lớp nghề, trong đó có 3 lớp phi nông nghiệp (xây dựng, điện) và 13 lớp nông nghiệp về trồng và chế biến chè, thu hút 560 học viên.
Ngoài ra, hàng năm tổ chức ngày hội việc làm hỗ trợ lao động là thanh niên người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với các thông tin về thị trường lao động, cơ hội việc làm.
Huyện chỉ đạo các phòng chức năng và cơ sở giáo dục, dạy nghề phối hợp với các doanh nghiệp thường xuyên tư vấn hướng nghiệp nhằm tăng cường dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho người dân; hỗ trợ người lao động, tìm kiếm chỗ ăn chỗ nghỉ để yên tâm làm việc…
Cùng với đó, huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp được phép tuyển dụng lao động trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm tại các xã, cụm xã, các trường học trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, huyện đã xây dựng được quy chế phối hợp với Đảng ủy Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam về đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2023 - 2025 nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân tham gia học nghề và có việc làm ổn định.
Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở, 9 tháng năm nay, Mường Khương đã tư vấn việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động cho hàng nghìn người. Địa phương phấn đấu trong năm nay, trên 1.200 người được tạo việc làm mới.
Hiện, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế; tổ chức tư vấn việc làm và xuất khẩu lao động; hỗ trợ người lao động tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất.
Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện đã lựa chọn những cây, con, ngành hàng chủ lực phù hợp với kỹ thuật canh tác, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như nhu cầu đầu ra của thị trường để hướng dẫn người dân sản xuất tại địa phương. Từ đó, góp phần giữ chân người lao động ở lại địa phương phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.