Chương trình mục tiêu quốc gia: Vì sao địa phương không muốn thoát nghèo?
Giải trình trước Quốc hội về kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra thông tin không mới nhưng khiến nhiều người phải suy nghĩ, đó là địa phương “không muốn thoát nghèo” để hưởng trợ cấp.
Nghịch lý trong sự… hợp lý
Chiều 30/10, giải trình trước Quốc hội về kết quả thực hiện ba Chương trình MTQG (giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số), Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, thực tế ghi nhận có tâm lý không muốn đạt chuẩn nông thôn mới, không muốn thoát nghèo vì lo ngại không còn là đối tượng thụ hưởng những chính sách về giáo dục, y tế, an sinh.
Do vậy, theo Phó Thủ tướng, sẽ có những điều chỉnh về chính sách tạo động lực cho bà con có thể tự vươn lên. “Nhưng cũng mong chính quyền địa phương vận động bà con được thụ hưởng chương trình này có tâm thế mới, tích cực hơn để vượt qua sự ỉ lại thì mới đạt kết quả tốt đẹp”, Phó Thủ tướng nói. Vâng, trăn trở của Phó Thủ tướng vốn không mới nhưng luôn là nỗi đau của những người làm chính sách.
3 câu hỏi đặt ra là: Vì sao chính quyền và người dân các khu vực khó khăn không muốn “thoát nghèo” (ở đây là muốn thoát khỏi danh sách khu vực nghèo để hưởng chính sách chứ không phải không muốn thoát nghèo - PV)? Tại sao có hiện tượng hết chương trình dự án MTQG thì địa phương và người dân “nghèo lại hoàn nghèo” (có hiện tượng báo cáo sai để lấy thành tích hay chăng)? Vốn đối ứng của địa phương, sự đóng góp của người dân khi tham gia các chương trình MTQG đang trở thành gánh nặng?
Đứng ở góc độ người dân, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, cần đánh giá đúng thực trạng việc giảm nghèo hiện nay đã thực chất hay chưa. Bởi theo ông Minh, nhiều địa phương chỉ vì chỉ tiêu phấn đấu theo nghị quyết, theo kế hoạch hàng năm nên đã vận động, thậm chí có nhiều giải pháp (không khuyến khích) làm đẹp số liệu, chỉ tiêu để giảm được số lượng hộ nghèo. Trong khi thực tế, chất lượng giảm nghèo và hộ thoát nghèo một cách bền vững chưa được đánh giá thực chất.
Cũng nhìn thấu được sự bất cập này, ĐBQH Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, chính việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn nông thôn mới đã khiến nhiều người dân ở các địa phương từ đồng thuận quay sang không còn mặn mà, khi họ phải đóng góp nhiều hơn trong khi nếu đạt các chuẩn rồi thì các chính sách vốn đang được thụ hưởng sẽ lại mất đi. Do đó, chạy đua thành tích, báo cáo đẹp là điều cần phải tránh; các tiêu chí Chương trình MTQG phải đảm bảo, khi nào đạt thì mới công nhận.
Như vậy, trong sự bất hợp lý (không muốn ra khỏi danh sách khu vực nghèo, khó khăn) lại là sự hợp lý đến đáng buồn khi không phải nơi nào, các Chương trình MTQG cũng được thực hiện hiệu quả. Theo ông Hòa: “Chỉ khi nào thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói riêng, nông thôn mới hay phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà địa phương thực hiện “chuẩn chỉnh”, đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bền vững thì khi đó tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo mới giảm xuống rõ rệt và thực chất".
Chính sách cần bám sát thực tiễn
Quay lại báo cáo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, so với kỳ họp trước, kỳ họp thứ 6 khóa XV lần này các Chương trình MTQG đã có chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là cơ chế, chính sách liên quan đến giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển cơ bản được tháo gỡ. Tuy nhiên, để các “hiện tượng” hay nghịch lý “không muốn thoát nghèo” nêu trên không còn tái diễn thì ngoài việc giáo dục nhận thức, tuyên truyền (điều kiện cần), thì chính sách sẽ cần bám sát thực tiễn hơn (điều kiện đủ) khi triển khai các Chương trình MTQG.
Cùng chung nhận định trên, ĐBQH Phạm Văn Hoà bổ sung ý kiến, để mọi người có ý thức chung, cùng vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách an sinh xã hội thì việc chủ động của các địa phương là rất quan trọng. Quốc hội, Chính phủ không làm thay địa phương và người dân được, bởi thoát nghèo phải xuất phát từ sự thôi thúc, nhu cầu của chính họ (người dân nằm trong các khu vực thụ hưởng chính sách - PV). Có như vậy, việc thoát nghèo mới bền vững, hạn chế mức thấp nhất nguy cơ tái nghèo trong khi nguồn vốn của Nhà nước, nguồn vốn khác là hữu hạn.
Được biết, 10 tháng đầu năm 2023, các chính sách liên quan đến 3 Chương trình MTQG được sửa đổi, bổ sung đều tuân thủ nguyên tắc này, đem lại kết quả thiết thực, bởi chỉ có cán bộ ở địa phương mới biết làm như thế nào là tốt nhất. Giải pháp này đã giúp địa phương có thể giải quyết những vấn đề thực tiễn, thuận tiện trong việc lồng ghép các chương trình trong cùng một cấp có thẩm quyền. “Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG”, Phó Thủ tướng thông tin thêm.
Đặc biệt, ý thức được nhiệm vụ phía trước còn không ít khó khăn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng mong muốn các ĐBQH cùng đồng hành với Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để đến cuối nhiệm kỳ cả 3 Chương trình MTQG đều đạt được các mục tiêu đã đề ra. Để người dân thoát nghèo bền vững, các địa phương hoàn thành tiêu chí nông thôn mới một cách thực chất, bộ mặt kinh tế xã hội các khu vực khó khăn thay da đổi thịt rõ nét hơn.
Nam Phương