Báo chí là kênh chủ lực trong hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách
Báo chí chính thống vẫn là kênh chủ lực trong việc hỗ trợ tuyên truyền chủ trương chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Trong một hội thảo đánh giá về hiệu quả của công tác giảm nghèo, ông Ngô Trường Thi - nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ:
Hơn 10 năm trước, khi về các bản, làng để triển khai chính sách giảm nghèo, hầu hết bà con đều không biết mình sẽ được hỗ trợ những gì, thủ tục ra sao. Vậy nhưng giờ đây đã khác, đa phần bà con đã hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình; thậm chí sẵn sàng nêu ý kiến nếu cán bộ làm chưa đúng.
Có được sự chuyển biến này, theo ông Ngô Trường Thi, là do công tác tuyên truyền, thông tin về chính sách, về công tác giảm nghèo đã được thực hiện rất tích cực, rộng khắp. Trong đó, các phóng viên, nhà báo của các đơn vị báo chí từ Trung ương đến địa phương chính là những nhân tố quan trọng giúp bà con hiểu: Giảm nghèo là chủ trương lớn được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Muốn thoát nghèo thì cùng với sự giúp sức của Nhà nước, bản thân bà con cũng phải nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo…
Ghi nhận những đóng góp to lớn và vai trò quan trọng của báo chí, của các phương tiện truyền thông đại chúng trong cuộc chiến chống đói nghèo của Việt Nam trong những năm vừa qua, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, công tác giảm nghèo, mỗi một giai đoạn mới, lại có cách tiếp cận và những yêu cầu mới. Đơn cử, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn mới, phương châm thực hiện giảm nghèo của Việt Nam cũng có nhiều thay đổi, chuyển từ giảm nghèo đơn chiều sang đa chiều chính vì vậy rất cần đến công tác truyền thông, các nhà báo, phóng viên… tuyên truyền cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) kịp thời hiểu được những thay đổi của chương trình, chính sách.
Bàn về vai trò của báo chí trong chuyển tải chính sách, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức-Hành động-Nguồn lực" nhằm thảo luận, trao đổi kỹ về nội hàm, phương thức và thống nhất nhận thức, hành động; có các giải pháp khả thi, cụ thể để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông chính sách thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết ở nước ta, công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.

Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trong đó bao gồm cả chương trình, chính sách giảm nghèo.
Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm quán triệt hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết trung ương tới các Đảng viên, cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được Trung ương triển khai trong toàn hệ thống chính trị từ sau Đại hội: Các hoạt động học tập nghị quyết, quán triệt các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được tổ chức rộng rãi theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tổ chức cơ sở Đảng trên toàn quốc. Về bản chất, đây cũng chính là đổi mới trong hoạt động "truyền thông" về các chủ trương chính sách quan trọng của Trung ương tới cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống, để từ đó quán triệt, thống nhất ý chí và hành động.
Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng, với nhiều đổi mới rõ rệt: Mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giờ đây đều có Đề án truyền thông chi tiết trước, trong và sau kỳ họp, với các mục tiêu, nhiệm vụ và thông điệp cụ thể.
Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương ở vị trí trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành, được thể hiện thông qua các thành tựu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục phát triển kinh tế. Công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời là những thông điệp rõ ràng qua những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo các vấn đề lớn của đất nước giờ đây luôn có sự tham gia của bộ máy truyền thông - báo chí, với các kế hoạch truyền thông chi tiết, các thông điệp truyền thông cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo được ban hành trong từng giai đoạn hoặc với từng sự kiện.
Hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc truyền đi kịp thời những thông điệp quan trọng trong chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Công tác điều tiết, định hướng truyền thông cũng có sự trợ giúp của công nghệ trong việc hỗ trợ rà quét, phân tích, điều tiết xu hướng thông tin...). Tất cả để nhằm mục tiêu "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".
Ngoài ra các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước đang hoạt động ngày một tốt hơn, đặc biệt là Cổng thông tin điện tử Chính phủ (cả trên web và trên các nền tảng mạng xã hội) hiện nay đang thể hiện rõ vai trò là nơi cung cấp thông tin nguồn và định hướng tuyên truyền rất hiệu quả về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các tầng lớp nhân dân và cho báo chí, truyền thông.
Lương Bằng, Ngân Phương, Hoài Bắc, Duy Khánh, Lê Thuý