Hướng Hóa chú trọng công tác đào tạo nghề nông thôn để giảm nghèo bền vững
Những năm qua, công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững được các cấp, ngành chức năng huyện Hướng Hóa chú trọng thực hiện.
Hướng Hóa là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị. Để góp phần giảm nghèo bền vững, những năm qua huyện đã tăng cường mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề về sản xuất cho người dân, giúp họ từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng được huyện Hướng Hóa đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, huyện tập trung vào 2 lĩnh vực đào tạo nghề chính là nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Đối với nông nghiệp, huyện tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn về bảo vệ thực vật, trồng cây cao su, sắn…. Tham gia các lớp học này, các nông dân được trang bị kiến thức về kỹ thuật chọn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh và thu hoạch. Nhờ thế năng suất, sản lượng các cây trồng được tăng lên, góp phần thiết thực giảm nghèo và không ít hộ đã vươn lên khá, giàu.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu kiếm tìm việc làm và áp dụng có hiệu quả vào việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế của người dân chính là hướng đi được huyện Hướng Hóa đã đề ra. Sau khi học nghề, kiến thức của người học được áp dụng vào hoạt động sản xuất thực tiễn, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề hàng năm đạt trên 80%.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa cho biết, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, huyện đã tổ chức được 38 lớp học nghề với 811 học viên, trong đó nghề nông nghiệp 30 lớp với 611 học viên, nghề phi nông nghiệp 8 lớp với 200 học viên tham gia, gồm các nghề như: đan lát truyền thống, kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật trồng cây cà phê, trồng chuối, khai thác cao su…
Mới đây, vào cuối tháng 9/2023, Hội nông dân cùng với Hội LHPN xã xã Triệu Thuận phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Giáo dục thường xuyên huyện Triệu Phong tổ chức khai giảng lớp dạy nghề về trồng rau an toàn.
Lớp học có 33 học viên là các hội viên hội nông dân, phụ nữ thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo trên địa bàn. Trong thời gian học 2 tháng, các học viên sẽ được trang bị kiến thức như : Tìm hiểu chung về sản xuất rau, nguyên nhân gây ô nhiễm trên rau trồng, quy trình kỹ thuật chung về kỹ thuật trồng rau an toàn, mô hình sản xuất rau trong nhà lưới, thiết kế nhà lưới, phương pháp trồng rau thủy canh, phương pháp ủ phân hữu cơ, quy trình sản xuất các loại rau cụ thể: cải bẹ xanh, xà lách, đậu cô ve, dưa leo, ớt, mướp đắng, mùng tơi.
Thông qua lớp học nghề này giúp hội viên nông dân, phụ nữ có kiến thức trồng rau an toàn có hiệu quả, góp phần cung cấp rau an toàn cho người sử dụng, đảm bảo sức khỏe, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Thông qua việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của người dân, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và vùng sâu; góp phần giúp các xã hoàn thiện tiêu chí về việc làm, thu nhập và hộ nghèo trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Huyện Hướng Hoá cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.