Hà Giang chăm lo người nghèo, làm tốt công tác an sinh xã hội
Sau hơn 3 năm tiến hành Chương trình hỗ trợ xây nhà ở người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo, kết quả vượt xa sự mong đợi…
Hà Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, sau tỉnh Điện Biên, cuối năm 2018, toàn tỉnh Hà Giang còn tới 31,17% số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Nhà ở của không ít gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn trong tình trạng nhà tranh, tre, lứa lá, tạm bợ dột nát.
Theo số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 1-4-2019, toàn tỉnh Hà Giang có 80.698 nhà ở thiếu kiên cố và đơn sơ. Kết quả rà soát hộ nghèo theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 cuối năm 2018, toàn tỉnh còn 56.083 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,17% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh, trong đó số hộ nghèo thiếu hụt về tiêu chí nhà ở (nhà ở thiếu kiên cố hoặc đơn sơ, tạm bợ) là 10.123 hộ, chiếm tỷ lệ 18,05% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Trong đó, đối tượng gia đình chính sách, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo biên giới có khó khăn về nhà ở còn hơn 4.100 hộ.
Thấu hiểu sâu sắc đúc kết của ông cha "an cư, lạc nghiệp". Để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo đa chiều, từ nhiều năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công và hộ nghèo.
Từ giữa năm 2019, Tỉnh ủy ban hành Quyết định 1953 thành lập Ban Chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh với định mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Mục tiêu giai đoạn 2019 - 2020 sẽ hỗ trợ 2.000 nhà, ưu tiên các đối tượng là gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo ở các xã biên giới. Từ năm 2021 trở đi, số lượng nhà ở hỗ trợ tùy thuộc nguồn kinh phí xã hội hóa.
Chương trình xây dựng nhà ở là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc không chỉ thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, lòng tôn kính, biết ơn, tri ân, chia sẻ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân với đời sống của các đối tượng chính sách; mà đồng thời thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của toàn xã hội đối với công tác giàm nghèo bền vững.
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nhà ở, tổng kinh phí đã huy động được trên 400 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ. Toàn tỉnh triển khai xây dựng được 6.700 ngôi nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Một số tập đoàn, doanh nghiệp tiêu biểu chung tay cùng Hà Giang xây dựng nhà ở cho người nghèo.
Tổng số ngày công cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân hỗ trợ các hộ làm nhà trên 341 nghìn ngày, tiêu biểu như: Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh hỗ trợ trên 14.610 ngày công giúp làm 721 nhà, trực tiếp hỗ trợ làm nhà cho 27 hộ với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng; Công an tỉnh hỗ trợ 3.355 ngày công giúp 343 hộ, trực tiếp hỗ trợ làm nhà cho 42 hộ với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng; Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ 18.756 ngày công giúp 711 hộ, trực tiếp hỗ trợ làm nhà cho 4 hộ, vận động hỗ trợ cho 19 hộ với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng; Hội CCB hỗ trợ 17.026 ngày công, vận động hỗ trợ trực tiếp làm 21 nhà hội viên; Hội LHPN hỗ trợ 62.084 ngày công; Đoàn Thanh niên hỗ trợ trên 27.000 ngày công giúp xây dựng 1.977 nhà...
So với kế hoạch ban đầu, dự kiến giai đoạn 2019 - 2020 sẽ hỗ trợ 2.000 nhà, ưu tiên các đối tượng là gia đình người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo ở các xã biên giới; những năm tiếp theo tùy thuộc vào kinh phí huy động xã hội hóa. Kết quả Chương trình xây dựng nhà ở của tỉnh đến hôm nay đã vượt xa ngoài mong đợi khi xây dựng được 6.700 ngôi nhà.
Ngày 26-11-2022, tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2022. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh khẳng định, chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở là chủ trương lớn của tỉnh, hợp lòng dân. Trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt; Ban chỉ đạo xây dựng nhà ở được thành lập từ cấp tỉnh đến cơ sở do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban; huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Toàn bộ kinh phí huy động được hỗ trợ trực tiếp, đúng đối tượng; nhà ở được xây dựng đảm bảo chất lượng, phù hợp với phong tục, văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Câu chuyện giúp người nghèo an cư ở Hà Giang đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều.
Hồng Vũ