Giảm nghèo đa chiều, tiến tới giảm nghèo bền vững
Với sự phấn đấu không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong nhiều năm qua, công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã đạt được một số thành tựu quan trọng.
Việt Nam có 54 dân tộc, bên cạnh dân tộc Kinh chiếm đa số là 53 dân tộc anh em với khoảng 14,2 triệu người (gần 15% tổng dân số). Các dân tộc thiểu số chủ yếu sống ở khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa ở Đông và Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Cả nước có 3.434 xã, phường, thị trấn nằm trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đột phá về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 27/11/1989, về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi; Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) thể chế hóa Nghị quyết của Đảng thành Quyết định số 72-HĐBT ngày 13/3/1990 về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế-xã hội miền núi.
Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg ngày 14/7/2020 về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, văn hóa, xã hội; các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giao đất, giao rừng; khuyến nông, khuyến lâm... đã giúp cho lĩnh vực kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi có những chuyển biến tích cực.
Tiếp đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc được triển khai vào thực tế cuộc sống, đã tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ một quốc gia thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình nên cách tiếp cận đánh giá nghèo đơn chiều theo thu nhập đã bộc lộ những hạn chế. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững (tháng 9-2015), Việt Nam cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới tại vùng đặc biệt khó khăn, từ năm 2016-2020 đã có 100% số xã được xây dựng đường ôtô đến trung tâm, 80% số thôn có điện, trên 50% số xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 100% đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo có bảo hiểm y tế miễn phí.
Từ Đại hội XIII, Đảng ta chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, trước hết là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 cho biết năm 2022, ngân sách nhà nước ưu tiên bố trí hơn 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
Kết quả là đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, an sinh xã hội luôn được đảm bảo; hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được tăng cường, khoảng cách phát triển giữa các vùng đang từng bước được thu hẹp.
Theo kết quả rà soát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong năm 2022 số hộ nghèo đa chiều trên toàn quốc giảm khoảng 1,5%, số hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%, số hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5%.
Các tỉnh Tây Bắc: 100% số xã đã có đường ô-tô đến trung tâm
Tây Bắc là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái cũng như an ninh - quốc phòng của nước ta. Xác định được vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo khu vực Tây Bắc với công cuộc đổi mới của cả nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chỉ đạo quyết liệt các bộ, ban, ngành cùng các địa phương trong vùng Tây Bắc chủ động phối hợp triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án quan trọng, cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Tuy có xuất phát điểm thấp, khó khăn hơn nhiều vùng trong cả nước, nhưng bằng nhiều nguồn lực và các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở vật chất và hạ tầng từ tỉnh đến cơ sở, vùng Tây Bắc nói chung và 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng đã có bước phát triển.
Đáng chú ý, thông qua cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ dân tộc thiểu số nói riêng được cải thiện rõ nét, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt, giao thông đi lại.
Đến nay, đã có 100% số xã đã có đường ô-tô đến trung tâm; hơn 80% số xã có đường cho xe cơ giới đến các thôn, bản; hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho 75% diện tích ruộng; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã.
Thực tế cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và tác động của lạm phát, suy giảm kinh tế; chính sách thắt chặt về tài chính, tiền tệ và cắt giảm đầu tư công nhưng Đảng, Nhà nước vẫn tập trung ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn vùng Tây Bắc.
Tây Nguyên được đầu tư nhiều chương trình mục tiêu quốc gia
Vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng của đất nước, chiếm 16,8% lãnh thổ và khoảng 6% dân số cả nước, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 36,52% (12 dân tộc thiểu số bản địa chiếm khoảng 25%).
Tây Nguyên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo, nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục…), đáng chú ý là Chương trình 135-II, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện nghèo (Chương trình 30A), Chương trình 168, 135 và các chương trình mục tiêu quốc gia khác về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình 132, 134 về giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai, thực hiện quyết liệt và gần đây nhất là Chương trình ục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh ở Tây Nguyên trong một thời gian dài luôn giữ ở mức khá, đời sống người dân được cải thiện. Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2015-2020, Đắk Lắk đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9,13%/năm, số hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm; Kon Tum tăng trưởng 9,7%/năm và số hộ nghèo giảm 4,05%/năm; Gia Lai đạt mức tăng trưởng 7,93%/năm và số hộ nghèo còn dưới 4,5%; Đắk Nông đạt mức tăng trưởng 8,02%/năm, hộ nghèo giảm 12,26% so với năm 2016; Lâm Đồng có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8%/năm, số hộ nghèo giảm sâu, toàn tỉnh giảm còn 1,75% (theo tiêu chí cũ).
Kết quả rà soát năm 2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy số nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) ở Tây Nguyên là 15,39% với 236.766 hộ (so với mức chung cả nước là 7,52% với 1.972.767 hộ).
Như vậy, số hộ nghèo ở Tây Nguyên vẫn khá cao so với các khu vực khác như Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (10,04% với 571.251 hộ), Đồng bằng sông Cửu Long (5,73% với 277.936 hộ)..., song thấp hơn hẳn so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (21,92% với 701.461 hộ).
Tây Nam Bộ: Giảm nghèo nhanh nhờ được "trao cần câu" thay vì "xâu cá"
Tây Nam bộ bao gồm 13 tỉnh (Long An, Đồng Tháp, An Giang, tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau).
Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo thời gian qua được triển khai thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người nghèo, người có thu nhập thấp. Các chương trình, dự án được đưa về cơ sở, trong thực hiện đều phát huy quyền dân chủ của nhân dân, trong việc xét duyệt hộ thoát nghèo đều có sự tham gia của người dân. Vì vậy, người nghèo đã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của chính bản thân mình và chủ động trong việc tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ đã tập trung lãnh đạo, coi công tác giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các chính sách giảm nghèo được tổ chức thực hiện kịp thời, góp phẩn ổn định đời sống người dân như: chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo; chính sách nâng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo; chính sách nhà ở; chính sách trợ giúp pháp lý; chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi…
Các địa phương cũng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo như dạy nghề cho người nghèo gắn với việc làm, chú trọng đào tạo các nghề truyền thống, phù hợp điều kiện thực tế trên địa bàn, xây dựng nhân rộng các mô hình giảm nghèo như nuôi bò, nuôi dê, nuôi gà, buôn bán, sửa xe, đan lát...
Dự án Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo tiếp tục được bố trí vốn thực hiện ở 93 xã thuộc 8 tỉnh có xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) với tổng kinh phí bố trí trung bình hằng năm là 01 tỷ đồng/xã và 63 triệu đồng/xã để duy tu bảo dưỡng các công trình trên địa bàn và 0,3 tỷ đồng/xã để hỗ trợ phát triển sản xuất cho giai đoạn 2016-2020.
Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được bố trí kinh phí từ Chương trình cho 12/13 tỉnh miền Tây Nam Bộ (trừ thành phố Cần Thơ, tự cân đối ngân sách); các hoạt động truyền thông, giám sát đánh giá, đào tạo bồi dưỡng cán bộ giảm nghèo được quan tâm, đẩy mạnh.
Tỉnh Bến Tre có ban hành và triển khai thực hiện Đề án Phát triển đa dạng sinh kế và Chương trình khởi nghiệp thoát nghèo: năm 2016 có 928/1.950 hộ tham gia dự án thoát nghèo, thoát cận nghèo và đến nay, có 1.186 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia Đề án sinh kế được lập hồ sơ theo dõi, quản lý.
Có thể nói, trong 5 năm thực hiện đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam bộ” chất lượng tín dụng chính sách tại các tỉnh, thành trong khu vực được nâng lên. Tổng doanh số cho vay toàn vùng đạt 33.393 tỷ đồng với 2.350.000 lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân là 10,5%, cao hơn 1,8% tốc độ tăng trưởng bình quân chung toàn hệ thống (8,7%). Một số tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, như: Hậu Giang 14,7%; Cần Thơ 13,6%; Cà Mau 12,3%; Sóc Trăng 11,8%…
Thông qua 1.581 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã đã góp phần đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương; đồng thời, tiết giảm chi phí đi lại cho người dân, NHCSXH đã giúp cho trên 2,3 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách trong khu vực Tây Nam bộ có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.
Qua đó, tại vùng ĐBSCL, đã có hơn năm triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp cho hơn 700 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 500 nghìn lao động; hỗ trợ hơn 400 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn một triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây hơn 100 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; hơn 85 nghìn ngôi nhà vượt lũ trong các cụm, tuyến dân cư…